Trong không khí những ngày đầu năm mới, sáng 3/2 (mùng 7 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại cánh đồng xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã long trọng tổ chức Lễ Tịch điền Đọi Sơn 2017. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ hội. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

 

Năm 2017, kỷ niệm 1030 năm (987-2017) Vua Lê Đại Hành về cày ruộng tịch điền khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp, mở ra điển lễ để các đời sau noi theo. Nhân dịp này, tỉnh Hà Nam tổ chức trọng thể lễ đón nhận Bằng công nhận Lễ Tịch điền Đọi Sơn là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.”

Chủ tịch nước Trần Đại Quang về dự Lễ và thực hiện nghi lễ cày tịch điền, khai mở một mùa vụ mới với mong ước mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, đất nước phồn thịnh. Cùng dự lễ có các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam cùng một số địa phương.

Phát biểu tại Lễ Tịch điền, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, trong hàng nghìn lễ hội truyền thống diễn ra khắp các vùng miền cả nước, Lễ Tịch điền tổ chức hằng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được Nhà nước ghi danh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.” Tịch điền là lễ hội văn hóa mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao tinh thần trọng nông, vai trò của nhà nông “Dĩ nông vi bản,” “Phi nông bất ổn.” Trong những ngày đầu Xuân ấm áp, tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày thẳng tắp đã trở nên quen thuộc, thúc giục người dân các địa phương bước vào vụ mới, xuống đồng sản xuất nông nghiệp và mang về mùa vàng bội thu. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nêu rõ, Lễ Tịch điền còn là một hoạt động văn hóa du lịch, quảng bá hình ảnh, con người Hà Nam đổi mới, phát triển để đồng bào trong nước, du khách quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài biết đến các sản phẩm kinh tế, văn hóa, du lịch của Hà Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Việc duy trì tổ chức Lễ Tịch điền của tỉnh Hà Nam có ý nghĩa rất lớn, vừa thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, vừa khuyến khích, động viên nhân dân phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện nghi thức tịch điền và phát động cơ giới hóa nông nghiệp bằng hình thức cày máy. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng trước thực tế trên đồng ruộng Hà Nam và trên cả nước đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, áp dụng mạnh cơ giới hóa; mô hình tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài sản xuất và chế biến nông sản chất lượng cao… Diện mạo nông thôn Hà Nam đã có nhiều đổi thay theo hướng hiện đại, văn minh, 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy có hiệu quả. 


Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, tình hình kinh tế trong nước và khu vực còn gặp nhiều khó khăn, vấn đề an ninh lương thực ngày càng quan trọng. 

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của mặt trận nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Vì vậy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cấp, các ngành, đồng bào cả nước ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Hà Nam và các địa phương cả nước phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu nông sản chất lượng cao ra thế giới, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân, xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu đẹp.

Theo “Việt sử lược”, vào mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (987), lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở vùng Đọi Sơn và bắt được chum vàng; năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc. Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua đã về Đọi Sơn mở Lễ Tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu mưa thuận gió hòa, cầu được mùa, cầu quốc thái dân an, mở ra một lễ hội khuyến nông đầy ý nghĩa. 

Nhận thức được tầm quan trọng của lễ hội này, các triều đại sau Lê Đại Hành đều duy trì nghi lễ cày tịch điền Đọi Sơn với các hình thức khác nhau. Thời Nguyễn là thời lễ tịch điền có nhiều “niêm luật” cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ lễ đứng ra chủ trì nhưng lễ hội này cũng chấm dứt dưới thời vua Khải Định. Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại. Lễ Tịch điền Đọi Sơn diễn ra trong ba ngày (từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng). Trong lễ khai hội sáng mùng 5 Tết có lễ rước nước từ giếng làng lên chùa Đọi, buổi tối tại đình Đọi Tam làm lễ cáo yết xin thành hoàng cho mở hội và lễ sái tịnh tại chùa Đọi. Sáng mùng 6 Tết diễn ra hoạt động thi vẽ và trang trí trâu; buổi tối trên chùa Đọi tổ chức Đại lễ giải hạn cầu an, đốt pháo bông, biểu diễn nghệ thuật. Ngày mùng 7 Tết tổ chức Lễ Tịch điền – hoạt động trọng tâm của lễ hội. Sau lễ dâng hương là nghi lễ cày tịch điền, khai mở một năm lao động, cày cấy với mong ước mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ…

Lễ Tịch điền vào ngày mùng 7 Tết được tiến hành trọng thể với nghi thức cổ truyền là nghi lễ nhập thế vua Lê. Một cụ ông đức độ, thần thái uy nghiêm đã được chọn trong cộng đồng cư dân Đọi Sơn khoác áo long bào, đeo mặt nạ thực hiện nghi lễ hóa thân thành hình tượng vua Lê Đại Hành xuống mở những sá cày lễ đầu tiên trên thửa ruộng phù sa màu mỡ.

Tiếp đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đại biểu lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam thực hiện nghi lễ tịch điền và trực tiếp phát động cơ giới hóa nông nghiệp bằng nghi thức cày máy, động viên, khích lệ các địa phương trong cả nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Nhân dịp về dự Lễ Tịch điền, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn công tác đã về dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam tại đền thờ các anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm và kiểm tra dây chuyền chế biến sản phẩm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hội Vũ, chuyên ngành chế biến rau quả xuất khẩu. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động công ty bày tỏ vinh dự đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang về thăm, động viên tinh thần lao động sản xuất; khẳng định quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong năm 2017 và những năm tiếp theo./.

Nguồn: ĐỨC DŨNG (TTXVN/VIETNAM+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *