Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cán bộ tiếp dân phải tận tụy, có trách nhiệm với công việc được giao; có năng lực hiểu biết pháp luật để nắm sự việc, đặc biệt là phải biết chia sẻ, trân trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từ 1/7/2014, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC phải có chuyển biến thực sự, phải giảm được số vụ, số người KNTC. Ảnh VGP/Lê Sơn |
Ngày 18/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước về giải quyết các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài.
Báo cáo về kết quả công tác tiếp công dân cho thấy, trong năm 2013, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã tiếp hơn 25.000 lượt người (số lượt người tăng 28,74%; số vụ việc tăng 22,7%; số đoàn đông tăng 17,72% so với năm 2012).
Năm 2013, Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư đã tiếp nhận gần 17.000 đơn, trong số này có hơn 5.000 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 30,96%…
Báo cáo cũng ghi nhận, trong quý I/2014, Trụ sở tiếp dân đã tiếp hơn 5.100 lượt người đến khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị và phản ánh (tăng 76,13% về số lượt người, tăng 23,36% về số đoàn đông người so với cùng kỳ năm 2013). Qua việc tiếp dân và giải quyết, Trụ sở đã ghi nhận việc xuất hiện các vụ việc KNTC đông người, phức tạp liên quan đến vấn đề môi trường; các trường hợp KNTC mang tính cực đoan, manh động, cố chấp, gây khó khăn cho việc tiếp, giải thích và hướng dẫn công dân…
Các ý kiến tại buổi làm việc cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến số lượt người KNTC gia tăng có nguyên nhân từ cơ chế chính sách vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính ổn định, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, về KNTC… Đặc biệt, trong quá trình giải quyết KNTC, nhiều địa phương còn xem nhẹ, né tránh việc tổ chức đối thoại với công dân; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế…
Đại diện Trụ sở tiếp dân kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc giải quyết KNTC tại các địa phương, nhất là đối với các vụ việc công dân KNTC tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước và đã có ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Trung ương.
Trong thời gian tới, Trụ sở tiếp dân sẽ tăng cường công tác đối thoại và tham gia giải quyết KNTC tại cơ sở gắn với công tác kiểm tra, đôn đốc những địa phương có nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, bức xúc.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ Luật Tiếp công dân có hiệu lực từ 1/7/2014 và khi Luật đi vào cuộc sống, yêu cầu công tác tiếp dân, giải quyết KNTC phải có chuyển biến thực sự, phải giảm được số vụ, số người KNTC.
Phó Thủ tướng cho rằng công tác tiếp dân, giải quyết KNTC vừa qua của các cơ quan chức năng đã có nhiều kết quả, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong những dịp đất nước có sự kiện lớn. Tuy nhiên, việc số đoàn, số người đến KNTC ở trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tăng lên, trong đó, nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.
Điều này đòi hỏi, mỗi cán bộ tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân. Tiếp công dân là khâu quan trọng liên quan đến những vấn đề của công dân như tâm tư, nguyện vọng về chính sách, đầu mối thông tin về tiêu cực, tham nhũng… Vì thế công tác tiếp dân, giải quyết KNTC phải được quan tâm. Cán bộ tiếp dân phải tận tụy, có trách nhiệm với công việc được giao; có năng lực hiểu biết pháp luật để nắm sự việc. Phải biết chia sẻ, trân trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Trụ sở tiếp dân không phải là nơi nhận đơn thư mà phải là nơi tiếp dân đúng nghĩa, nơi lắng nghe, đối thoại, tiếp nhận, hướng dẫn dân, đôn đốc kiểm tra kết quả giải quyết KNTC của dân; đề xuất chính sách, giải quyết bất cập. “Phải gắn mình, đặt mình vào vị trí của người khiếu kiện để làm tốt nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết KNTC”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về giải quyết các vụ việc phức tạp và kéo dài (528 vụ việc), sau khi nghe báo cáo của Thanh tra Chính phủ, ý kiến của các bộ, ngành về tình hình giải quyết các vụ KNTC kéo dài, phức tạp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ nội dung vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, dân chủ, tạo sự đồng thuận, xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc để có biện pháp giải quyết bảo đảm tính khả thi, trường hợp khó khăn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến giải quyết. Hiện còn 47 vụ việc phức tạp, cần tập trung giải quyết, phấn đấu đến tháng 8/2014 giải quyết xong.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố sau khi rà soát lại các vụ việc được rà soát, kiểm tra phải thông báo công khai kết quả giải quyết, tổ chức thi hành triệt để; các vụ việc đã trao đổi, thống nhất biện pháp giải quyết với Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, nhất là các vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần tuyên truyền, vận động giải thích cho công dân đúng pháp luật, có lý, có tình.
UBND các địa phương cần tiếp tục rà soát kiểm tra các vụ việc phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Thanh tra Chính phủ và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của mình.
Theo Lê Sơn ( Chinhphu.vn )