Chiều 21/3, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV đã bế mạc.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sau 6 ngày làm việc khẩn trương, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 8.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý hai dự án luật, Luật Quy hoạch và Luật Quản lý ngoại thương. Với Luật Quản lý ngoại thương, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ ba.
Đối với dự án Luật Quy hoạch, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sắp tới và sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của 3 dự thảo luật, đó là dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); đề nghị các Ủy ban chủ trì thẩm tra các dự án luật nói trên cùng cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh một bước báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc Kỳ họp Quốc hội ít nhất 20 ngày.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ ba, gồm: Luật Thủy sản (sửa đổi), Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ, tiếp thu ý kiến tại Phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn thiện đầy đủ hồ sơ các dự án luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ ba.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp thu ý kiến tại Phiên họp và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 9 vào tháng 4 tới.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại Phiên họp và Ủy ban sẽ chuẩn bị một văn bản và thông báo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi Chính phủ, làm cơ sở để ban hành quy định lần này.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa với các hành vi vi phạm hành chính cho một số lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế. Ủy ban Pháp luật sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại Phiên họp, chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để Chính phủ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện và ban hành theo đúng quy định…
Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng xem xét một số nội dung khác; thông qua Nghị quyết Quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Nghị quyết Quy định bổ sung một số chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội; đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội, Ban Công tác đại biểu và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay sau phiên họp này, các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội khẩn trương chỉ đạo những công việc trong phạm vi, lĩnh vực mình theo đúng kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời tích cực chuẩn bị những nội dung cho Chương trình Phiên họp thứ 9 sẽ diễn ra vào tháng 4 tới. Đặc biệt, các Ủy ban có dự thảo luật sẽ báo cáo trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách vào đầu tháng 4 tới phải rà soát lại tất cả các văn bản để báo cáo tại Hội nghị đại biểu chuyên trách.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
Hiện nay, tại các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị mới tập trung nhiều công trình cao tầng, phức hợp với tính chất ngày càng đa dạng và quy mô ngày càng lớn. Mặt khác, các diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết trong những năm qua làm cho nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn, cháy, nổ… gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn.
Theo số liệu thống kê của các Bộ, ngành, từ năm 2001 đến hết năm 2015, trên cả nước đã xảy ra 444.311 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều sự cố khác, làm chết 177.587 người, bị thương 343.340 người.
Các vụ việc nêu trên chủ yếu là các sự cố, tai nạn diễn ra trên đất liền có tính đột xuất và chưa tới mức “thảm họa”, thiên tai lớn, thuộc trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, chưa cần thiết huy động lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ lớn theo sự điều phối của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Thực tế cho thấy, ngay cả đối với các sự cố, thiên tai thuộc trách nhiệm điều phối của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn thì lực lượng phòng cháy và chữa cháy cũng là lực lượng nòng cốt, trực tiếp thực hiện các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố này.
Văn bản pháp lý cao nhất quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy là Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ban hành ngày 15/10/2012 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy nên hiệu lực pháp lý thấp. Mặt khác, Quyết định này chưa quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ; chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ nên dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng trong việc phối hợp giữa các lực lượng tham gia hoạt động cứu nạn, cứu hộ, không phát huy được tính chủ động trong công tác phòng ngừa, xử lý khi có sự cố, tai nạn xảy ra, nhất là vấn đề thống nhất chỉ huy, điều hành trong công tác cứu nạn, cứu hộ.
Hơn nữa, việc chưa quy định thẩm quyền cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy được huy động lực lượng, phương tiện của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia cứu nạn, cứu hộ và trong tình thế cấp thiết được sử dụng quyền quyết định phá dỡ nhà, công trình, chướng ngại vật và di chuyển tài sản khi cứu nạn, cứu hộ dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức cứu nạn, cứu hộ tại các sự cố, tai nạn xảy ra trong thời gian vừa qua…
Tại phiên họp, các đại biểu nhất trí cho rằng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn hiện nay, việc nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy là cần thiết; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên…/.
Nguồn: HOÀNG THỊ HOA (TTXVN/VIETNAM+)