Theo Hội Giống cây trồng Nam bộ, cả nước hiện có hơn 755.000 ha cây ăn trái, với sản lượng hơn 6,5 triệu tấn. Trong đó, diện tích cây ăn trái ở các tỉnh phía Nam là 460.900 ha, chiếm gần 60% diện tích cả nước.
Các chủng loại cây ăn trái chủ yếu là: dứa, chuối, các loại có múi, xoài, nhãn, vải thiều, thanh long, chôm chôm …
Đến nay, một số tỉnh có thế mạnh về cây ăn trái như Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang … đã xây dựng qui hoạch và phân vùng thích nghi cây ăn trái đến năm 2010, trong đó chú trọng đầu tư có chiều sâu các loại cây ăn trái chủ lực phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng là giống bản địa, có mẫu mã, màu sắc và chất lượng vượt trội so với giống nhập nội, điển hình như cam, sầu riêng, bưởi …
Bưởi năm roi |
Tuy nhiên, việc sản xuất trái cây ở nước ta vẫn tồn tại nhiều bất cập như vùng sản xuất trái cây hàng hóa chưa đủ rộng, tổ chức sản xuất kinh doanh còn yếu; thiếu giống tốt; việc áp dụng kỹ thuật còn tùy tiện; chưa có công nghệ chế biến, bảo quản tốt nên sản phẩm hàng hoá chưa đạt tiêu chuẩn trên "sân chơi" WTO…
Để tăng hiệu quả sản xuất trái cây, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp các tỉnh sẽ tổ chức liên kết hợp tác trong sản xuất, lập vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, có ưu thế cạnh tranh; thực hiện các giải pháp liên kết vùng và hợp tác "4 nhà" trong sản xuất, tiêu thụ trái cây.
Riêng trong công tác giống, các tỉnh chọn khai thác các loại giống bản địa có chất lượng cao như Sầu riêng Ri 6, bưởi da xanh, cam mật không hạt, xoài cát Hòa Lộc, thanh long, vú sữa…
Lê Hải