ĐBSCL được xem là vựa lúa của cả nước và là nơi có sản lượng gạo và thủy sản xuất khẩu chiếm tỷ trong cao trong kim ngạch xuất khẩu cả nước. Theo các chuyên gia kinh tế, gạo và thủy sản vẫn là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, lúa gạo hiện được xem là ngành hàng chiến lược của vùng ĐBSCL, chiếm đến 52% sản lượng lúa cả nước, trong đó sản lượng gạo xuất khẩu đạt trên 90%.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2009, nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng gạo sẽ cao hơn so với năm 2008 vì người dân ở các quốc gia đang phát triển sử dụng gạo nhiều hơn. Ước sản lượng gạo xuất khẩu năm 2009 có thể đạt 5 triệu tấn, tăng khoảng 6% so với năm 2008.

Gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL.

Ngoài lúa gạo, thủy sản cũng được xem là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của vùng ĐBSCL. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của vùng đạt gần 2,5 tỷ USD, tương đương với hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Đặc biệt, mặt hàng cá tra, cá ba sa được xem là đặc sản của vùng ĐBSCL, những năm gần đây đã trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia. Mặt hàng này đã đóng góp đến 2% GDP của cả nước và khoảng 32% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ngành Thủy sản.

Theo kế hoạch trong năm 2009, ĐBSCL sẽ phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản lên 1.150.000 ha, dự kiến sản lượng khoảng 2,4 triệu tấn, trong đó sản lượng cá tra đạt 1,2 triệu tấn và tôm nuôi nước lợ đạt 380.000 tấn.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tuy nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang bị suy thoái song đối với ĐBSCL, lúa gạo và thủy sản vẫn luôn là hai mặt hàng xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy lúa gạo và thủy sản vùng ĐBSCL có thế mạnh xuất khẩu như thế nhưng để những sản phẩm này được nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng, người sản xuất và nhà chế biến cần chú ý đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nên liên kết lại trong sản xuất và kinh doanh, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chung trong vùng.

Hồ Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *