Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020.
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh bao gồm 4 chủ đề chính, 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và Kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh có các nội dung hoạt động như xây dựng khung hướng dẫn lồng ghép tăng trưởng xanh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ngành và địa phương; xây dựng đề án và thực hiện thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ ở một số tỉnh, thành phố tiêu biểu cho những vùng lớn; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ vừa và nhỏ thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ và cải tiến quản lý nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;…
Triển khai đồng bộ
Những hoạt động thuộc Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cần được triển khai đồng bộ và phù hợp với các nội dung về: Nâng cao nhận thức; hoàn thiện thể chế; thay đổi cơ cấu kinh tế ngành, địa phương và doanh nghiệp và đổi mới công nghệ.
Các Bộ, ngành, địa phương, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan được giao chủ trì thực hiện các hoạt động thuộc Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh chịu trách nhiệm đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện theo kế hoạch cho giai đoạn 2014 – 2020.
Nguồn vốn thực hiện các hoạt động từ ngân sách nhà nước trong Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu; từ nguồn lực của các doanh nghiệp; từ cộng đồng và từ nguồn viện trợ của quốc tế.
Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm huy động, quản lý nguồn lực từ ngân sách nhà nước (bao gồm cả Trung ương và địa phương), nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Nhà nước ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, đặc biệt cho nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo.
Nhà nước tạo cơ sở pháp lý khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch hành động tăngtrưởng xanh.
Theo Hoàng Diên ( Chinhphu.vn )