![]() |
Trong tháng 5, giá cả nhiều loại hàng hoá có dấu hiệu tăng lên. |
Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của cả nước tăng 0,44% so với tháng trước và tăng 5,58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn trên địa bàn tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng cũng đã tăng 0,73% trong tháng 5. Điều này cho thấy kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, khi mà sức mua vẫn chưa thật sự mạnh, nhất là khu vực nông thôn, thì sự tăng giá của một số hàng hoá khiến nhiều bạn hàng ngán ngại.
Trong tháng 5, xăng dầu điều chỉnh tăng giá thêm 500 đồng/lít. Còn so với đầu năm thì giá nhiên liệu cũng chỉ tăng 1.000 đồng/lít.
Với tỷ lệ tăng giá này thì chi phí vận chuyển sẽ không có ảnh hưởng lớn. Một chuyến xe tải chạy tuyến Vĩnh Long – TPHCM mất 40 lít dầu thì cũng chỉ tăng 40 ngàn đồng. Đây không phải là yếu tố góp phần tăng chi phí cho doanh nghiệp và giá cả hàng hoá.
Hiện nay, ngoại trừ một số ít nguyên liệu dùng trong sản xuất giá cả tăng nhẹ, còn lại đa số nguyên liệu bình ổn giá. Sữa nhập khẩu là một mặt hàng thời gian qua tăng giá trong khi giá nguyên liệu không tăng.
Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, hệ thống siêu thị Co.op Mart cùng các nhà sản xuất sữa chủ lực trong nước cam kết không tăng giá sữa, nhằm bình ổn thị trường.
Song, hiện một số nhà cung cấp hàng cho siêu thị cũng đã đề nghị tăng giá một số hàng hoá.
Có thể thấy với tỷ trọng hàng hoá nội địa được bày bán cao hơn nhiều so với hàng nhập khẩu thì khó có thể xảy ra một đợt tăng giá hàng loạt hàng hoá như năm trước.
Thêm vào đó, sức mua đang trong giai đoạn phục hồi, chưa đủ mạnh nên các nhà sản xuất cũng phải tiếp tục giảm chi phí, hạ giá thành để cạnh tranh nhau.
Nhiều loại hàng hoá trong siêu thị liên tục đưa ra chương trình khuyến mãi giảm giá. Có loại sản phẩm may mặc giảm giá đến 40%.
Rõ ràng nhà sản xuất phải cân nhắc khi quyết định tăng giá khi mà người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu và tiêu dùng ngày một thông minh hơn.
Quốc Dũng