Chương trình “3 giảm, 3 tăng”, còn gọi là chương trình quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp ICM, được triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mục tiêu của chương trình là hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa để nâng cao hiệu quả sản xuất và bền vững với môi trường.

Nông dân tham quan cánh đồng áp dụng chương trình "3 giảm, 3 tăng"

Khi bắt đầu triển khai chương trình “3 giảm, 3 tăng”, ngành Bảo vệ thực vật Vĩnh Long gặp không ít khó khăn. Trở ngại lớn nhất là lâu nay nông dân chỉ sản xuất theo kinh nghiệm, chọn giống, mật độ gieo sạ, sử dụng phân bón cũng như kỹ thuật bón phân chưa cân đối, sử dụng thuốc BVTV chưa hợp lý… dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao; năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người. Do vậy, việc đầu tiên cần triển khai là chọn đối tượng và điểm trình diễn chương trình.

Nông dân tham gia chương trình “3 giảm, 3 tăng” được tập huấn kỹ thuật ba lần/vụ. Lần thứ nhất trước khi sạ 5 – 7 ngày, nông dân được hướng dẫn thực hiện ngâm, ủ giống, sạ với mật độ hợp lý, xử lý thuốc trừ cỏ. Lần thứ hai, sau khi sạ 18 – 20 ngày, hướng dẫn nông dân phương pháp sử dụng bảng so màu lá lúa để chọn thời điểm bón thúc. Lần thứ ba sau khi sạ 38 – 45 ngày, hướng dẫn nông dân cách theo dõi, ghi chép tình hình sâu bệnh.

Ngoài những lợi ích có thể nhìn thấy như giảm chi phí; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, chương trình “3 giảm, 3 tăng” còn giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường do hạn chế được việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu tràn lan. Chương trình cho phép giảm lượng lúa giống đầu tư bình quân từ 180 – 200kg/ha xuống còn 100 – 120kg/ha; giảm 10% lượng đạm đầu tư nguyên chất và 1 đến 2 lần phun thuốc trừ sâu mà vẫn duy trì được mật độ ký sinh và các loài thiên địch có ích.

Việc triển khai ứng dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế do năng suất lúa cao hơn, giá thành sản xuất giảm, giảm thất thoát sau thu hoạch và hạn chế được sâu bệnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nên được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ.

Lê Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *