Năm 2022 tiếp tục là một năm thắng lợi của ngành nông nghiệp. Riêng ngành hàng lúa gạo tăng trưởng vượt bậc với sản lượng xuất khẩu lên đến 7 triệu tấn và kim ngạch gần 3,5 tỷ đô la Mỹ. Giá trị xuất khẩu tăng nhờ sự mở rộng sang các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Điều này chứng tỏ ngành gạo đang có sự dịch chuyển đúng đắn trong việc phát triển theo chuỗi giá trị…
Những cái bắt tay với doanh nghiệp, những mối liên kết bền chặt…làm cho nhà nông này càng tin tưởng vào việc đưa hạt gạo đặc thù vùng đất tôm lúa vươn xa hơn nữa. Vụ lúa năm nay, bên cạnh niềm vui được Công ty Trung An bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa với giá cao hơn thị trường 1.000 đến 1.200đ/kg, các HTX sản xuất lúa trên địa bàn huyện An Biên thêm phấn khởi khi Công ty còn hợp tác đưa sản phẩm này sang thị trường Mỹ, Châu Âu, hứa hẹn giá trị sản phẩm sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Sau 4 năm liên kết theo hình thức doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón và hướng dẫn quy trình canh tác tạo sản phẩm đáp ứng thị trường và thu mua toàn bộ sản lượng lúa của 600ha với hiệu quả tích cực, hiện tại, nhiều bà con vẫn muốn tiếp tục gắn bó lâu dài trong câu chuyện làm ăn này. Bởi, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, thời tiết bất lợi, thu hoạch tiêu thụ lúa khó khăn như năm nay thì việc được liên kết theo chuỗi, có lợi nhuận tốt (khoảng 40-45 triệu/ha) là quá lý tưởng, là động lực thu hút nhiều nông dân tham gia.
ĐBSCL có hơn 120.000ha đất luân canh tôm, lúa. Đây là hệ thống canh tác được đánh giá là thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn cũng như với những chuyển biến liên tục của thị hiếu tiêu dùng. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vùng này sản xuất lúa trên nền đất tôm – lúa, đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, hoặc theo tiêu chuẩn Châu Âu, Mỹ, với những giống lúa đặc sản, thơm ngon được người tiêu dùng đánh giá cao.
Như nhà nông này, nhiều năm nay, được Công ty TNHH Gạo Tôm đầu tư sản xuất lúa ST theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá vượt trội hơn so với truyền thống. Nông dân tuân thủ nghiêm ngặt không sử dụng phân bón và thuốc hóa học, kiểm soát chất lượng đất đai, nguồn nước kỹ càng nhằm đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng, là yêu cầu quan trọng nhất trong câu chuyện làm ăn này. Khi đó, lợi ích đi kèm không chỉ đơn thuần là giá trị kinh tế tăng cao mà sức khỏe người nông dân, môi trường sinh thái cũng được được cải thiện.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2022, diện tích lúa được liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi ghi nhận là có xu hướng tăng. Chủ yếu tập trung ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm ở ĐBSCL như tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An,…Cho thấy cả doanh nghiệp và nông dân đều nhìn nhận tầm quan trọng của việc liên kết như theo định hướng của Chính Phủ, ngành nông nghiệp từ năm 2010 đến nay. Nông dân dần điều chỉnh cách tổ chức sản xuất, phương thức làm ăn, giữ chữ tính; doanh nghiệp thì tôn trọng lợi ích bà con, cùng nhau chia sẻ nhằm kết nối bền vững, lâu dài.
Liên kết theo chuỗi được đánh giá là giải pháp tối ưu để phát triển ngành hàng lúa gạo. Hiện tại thì nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh liên kết với bà con tạo vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn mà các thị trường khó tính yêu cầu. Và sau đây là câu chuyện của các bà con cùng bà con phát triển vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn về chất lượng, đảm bảo yếu tố sức khỏe con người, môi trường và cả những yếu tố xã hội khác.
Ông Trịnh Công Minh – Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp An Bình, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết:
Nông dân mình bây giờ thay đổi nhiều, mạnh dạn thay đổi để có thể phát triển bền vững hơn. HTX mình có 1000ha, trong đó 950 ha làm theo tiêu chuẩn đi Mỹ, Châu Âu. Có 50ha làm SRP 100. Có 4 tiêu chí, đòi hỏi không đốt rơm, dưới 14 ngày không xả nước khỏi ruộng để thuốc ốc này nọ kịp phân hủy mới đưa ra ngoài, không thuê lao động dưới 18 tuổi, v.v.v Hồi mới thấy nó khó nhưng quyết tâm mình làm được. Tiêu chuẩn này người ta lấy mẫu test, người ta kiểm kỹ nên mình phải làm thực chất…3 năm liên tục tụi tui đều được 100…
Trước khi đạt được kết quả như hiện tại thì câu chuyện làm ăn của HTX này cũng vướng không ít khó khăn trong câu chuyện làm sao nông dân đồng lòng, làm sao HTX có thể liên kết lâu dài với doanh nghiệp. Để giải quyết những mâu thuẫn, hạn chế trong câu chuyện cánh đồng lớn, chính quyền tỉnh An Giang cùng doanh nghiệp bắt tay thay đổi quy mô, cơ cấu các HTX bằng cách liên kết các HTX thành lập liên hiệp HTX Thoại Sơn đủ mạnh với bộ máy hoàn thiện hơn trước. Năng lực HTX được cải thiện, nắm bắt kịp thời những thay đổi thị trường, để tổ chức sản xuất tốt mang lại lợi nhuận cho người nông dân và cả doanh nghiệp.
Cách thức tổ chức loại cơ cấu của HTX nông nghiệp đã giúp tập đoàn Lộc Trời, Công ty Trung An phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng. Giải quyết được bài toán về năng lực tổ chức sản xuất, thích ứng thị trường của các HTX nông nghiệp hiện nay. Năm 2022, riêng tập đoàn Lộc Trời đã liên kết theo chuỗi hơn 160.000ha lúa, Công ty Trung An cũng có đến vài chục ngàn hecta liên kết ở ĐBSCL.
Các diện tích này đều đảm bảo nhu cầu của doanh nghiệp với những sản phẩm lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ quốc tế hoặc sản xuất lúa bền vững (SRP)… Vừa tạo nguồn nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn trong và ngoài nước cho doanh nghiệp, mà còn tạo điều kiện cho người trồng lúa giảm tối đa chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận.
Năm vừa qua, xuất khẩu gạo có thêm những tín hiệu vui như sản phẩm gạo Việt Nam Rice của Lộc Trời được lên kệ các siêu thị ở Pháp với giá tốt, góp phần xây dựng thương hiệu gạo nước nhà. Hoặc những sản phẩm của Công ty Trung An với phân khúc gạo thơm, chất lượng cao đều có giá trị xuất khẩu ở mức cao so với sản phẩm tương đương của các quốc gia cạnh tranh. Điều này càng minh chứng, việc tập trung tạo chuỗi lúa gạo chất lượng, được kiểm soát từ đầu vào, đầu ra sản phẩm là con đường đúng đắn.
Từ năm 2010, ngành nông nghiệp và các địa phương, người nông dân từng bước xây dựng cánh đồng lớn. Đến 2018, Chính phủ quy định trong Nghị định 98/2018 của Chính phủ, và đến nay đã có những mô hình liên kết đạt kết quả khả quan. Quan trọng là các doanh nghiệp, bà con cùng ngành chuyên môn giải quyết những mâu thuẫn tồn tại trong quá trình liên kết này để cùng bắt tay nhau phát triển. Để cánh đồng không những lớn về không gian diện tích mà còn lớn về câu chuyện làm ăn, tầm nhìn cho tương lai.
Hiện tại, các tỉnh có diện tích lúa lớn, sản xuất lúa trọng điểm ở ĐBSCL như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An đều rất chú trọng các giải pháp để thu hút doanh nghiệp đến xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từ cung ứng vật tư, dịch vụ cơ giới hóa đến vận chuyển thu mua, sơ chế, chế biến.
Để thực hiện được điều này, địa phương thành lập các tổ chức nông dân, tập huấn kỹ thuật canh tác, đẩy nhanh cơ giới hóa, công nghệ để tạo tiền đề xây dựng vùng trồng đạt chuẩn, thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết. Đồng thời, các địa phương cũng phát huy vai trò giám sát để câu chuyện làm ăn giữa nông dân và doanh nghiệp diễn ra công bằng, minh bạch, bền vững.
Mặc dù, ĐBSCL chỉ có gần 200.000ha lúa được liên kết theo chuỗi ngành hàng, chiếm hơn 10% tổng diện tích lúa toàn vùng. Nhưng với những chuyển biến tích cực trên cho thấy chuỗi giá trị lúa gạo đạt tiêu chuẩn cao, thích ứng khí hậu, đảm bảo được yếu tố môi trường, an sinh xã hội sẽ ngày càng được nhân rộng.
Và đây chính là cơ sở thực tiễn tin tưởng đề án 1 triệu hecta đất lúa chất lượng cao ở ĐBSCL mà Chính phủ vừa đề ra trong năm 2022 sẽ nhanh chóng đạt được, hướng đến nâng giá trị trên đơn vị diện tích đất, cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho người dân nông thôn.Bên cạnh liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm thì hiện nay các HTX cũng chú trọng thị trường trong nước với các sản phẩm gạo, sau gạo với thương hiệu của HTX. Đây cũng chính là điểm sáng của ngành gạo năm nay.
Như HTX Tấn Đạt, với 30ha đạt hữu cơ quốc tế, và gần 500ha đang chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang hữu cơ đều được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua với giá tốt. Nhưng, thấy tiềm năng thị trường gạo túi trong nước vẫn rất lớn, HTX dành 1 phần sản lượng trên phát triển thành những sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng của HTX, tăng thêm nguồn thu cho HTX, tăng lợi nhuận cho các thành viên.
Không dừng lại ở đó, HTX này còn đẩy mạnh các sản phẩm chế biến sâu như bột gạo lứt, trà gạo lứt, trà gạo thảo dược nhằm đa dạng và nâng giá trị sản phẩm… Chú trọng nâng giá trị bằng chế biến, chất lượng, mẫu mã bao bì mà sản phẩm gạo và sau gạo của HTX NN-DV Tấn Đạt dần được thị trường biết đến, đánh giá cao.
Câu chuyện của những nông dân cùng với doanh nghiệp, địa phương, các nhà khoa học xây dựng mới liên kết bền chặt, lâu dài cho thấy với sự chuyển biến tích cực trong câu chuyện làm kinh tế nông nghiệp của người dân ĐBSCL. Một hệ sinh thái bao gồm nhiều thành tố tham gia vào ngành hàng lúa gạo cùng bà con hướng đến câu chuyện nâng giá trị, nâng chất đời sống người dân.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững năm 2021-2030, Chính phủ khẳng định cần phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Đưa các vùng quê, nông thôn trở thành nơi đáng sống với kinh tế phát triển, môi trường trong lành, thân thiện.
Những điểm sáng trong câu chuyện các ngành các cấp và bà con doanh nghiệp bắt tay nhau trên đồng lớn trong năm qua cho thấy ngành gạo đang dịch chuyển đúng hướng. Và đây là nền tảng cơ bản để phát triển chuỗi lúa gạo ĐBSCL hướng đến đạt mục tiêu hiện đại, tuần hoàn và phát thải thấp.
Kim Hồng