Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cho thấy trong năm ngoái, các quốc gia trên thế giới đã thu được 95 tỷ đô-la Mỹ phí phát thải CO2 của các doanh nghiệp, tăng so với 84 tỷ đô-la ghi nhận trong năm trước đó và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Ảnh minh họa
Dù vậy, WB nhận định, phí phát thải CO2 hiện nay vẫn quá thấp để đưa đến những thay đổi cần thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. WB cho rằng, các nước cần ưu tiên thực hiện chính sách định giá carbon nhằm giảm phát thải.
Đến nay, trên thế giới có 73 công cụ định giá carbon đang được sử dụng, tăng so với 68 công cụ ghi nhận trong báo cáo của WB hồi tháng 5/2022 và áp dụng với khoảng 23% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Hồi năm 2017, Ủy ban cấp cao về giá carbon cho rằng đến năm 2030, giá carbon cần phải ở mức từ 50 đến 100 đô-la/tấn để có thể giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mức cao nhất của giới hạn đã được thống nhất theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo báo cáo của WB, hiện nay chỉ có chưa đến 5% lượng khí nhà kính toàn cầu có giá carbon bằng hoặc cao hơn mức giá khuyến nghị trên./.
Tuấn An