Tục cúng ông Công ông Táo đã trở thành một nét văn hóa của người Việt Nam. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm, các gia đình lại sắm sửa mâm cỗ, đồng thời phóng sinh cá chép vàng để tiễn ông Công, ông Táo về trời, nhằm xua đi những xui rủi của năm cũ và chào đón những điều tốt đẹp trong năm mới. Một số nước tại Châu Á cũng có tục lệ này, song mỗi quốc gia lại có cách thể hiện riêng.

Ảnh minh họa

Tương tự như Việt Nam, người dân Trung Quốc cũng dâng mâm cúng vào ngày 23 tháng Chạp để tiễn các vị thần bếp gia đình lên thiên đình. Tuy nhiên, thay vì cúng cá chép, họ thường cúng nước và một ít cỏ khô cho ngựa đưa ông Táo lên trời. Mâm cơm cúng ông Táo của người Trung Quốc gồm có nắm gạo nếp, bánh đường, bánh rán chiên giòn và súp đậu.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, nữ thần Jowangshin, tượng trưng cho ngọn lửa và gia đình, có nhiệm vụ ghi chép và báo cáo lên thiên đình mọi chuyện tốt xấu trong gia đình của gia chủ trong một năm. Tuy nhiên, lễ tiễn vị thần này lại diễn ra vào ngày 29 tháng Chạp. Mâm cúng thường có hoa quả và các loại bánh gạo chiên.

Còn ở Nhật Bản, vị thần bếp có tên Daikokuten hay Đại Hắc Thiên. Ngài là vị thần của ngũ cốc và là một trong 7 vị thần may mắn Thất Phúc Thần. Mỗi dịp năm mới, người Nhật thường mua tượng thần Daikokuten như biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng. Tuy nhiên, họ không làm lễ cúng vị thần này./.

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *