Vụ tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Malvinas (theo cách gọi của Argentina) hay Falkland (trong tiếng Anh) đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới khi chính quyền Luân Đôn cho phép tiến hành khoan thăm dò dầu khí.

Bản đồ khu vực đảo Falkland

Argentina đã ngay lập tức phản ứng với mức độ quyết liệt hiếm thấy khi ban bố các biện pháp mới trong kiểm soát tàu thuyền đi đến khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo này đồng thời sẽ đưa vụ việc lên Liên hiệp quốc vào tuần tới.

Gần 28 năm sau cuộc chiến giữa Argentina và Anh, vấn đề chủ quyền quần đảo Falkland bỗng chốc lại trở nên nóng bỏng hơn lúc nào hết bởi đơn giản là hai bên đột nhiên nhận ra lợi ích thiết thực mới. Cuộc chiến năm 1982 tưởng đã rơi vào lãng quên, hai bên tưởng đã tìm ra được phương cách và khuôn khổ chung sống với tình trạng vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng thực tế hiện nay là ngược lại. Tiềm năng về dầu mỏ với trữ lượng lớn ở đây đã không chỉ khơi lại quá khứ mà còn có thể ám ảnh đến cả tương lai của toàn bộ mối quan hệ giữa hai nước Anh và Argentina.

Hồi cuối thập niên 1990, Tập đoàn dầu khí liên doanh giữa Anh và Hà Lan Shell đã được phép khoan thăm dò dầu khí ở đây nhưng phải bỏ cuộc sau đó. Vào những năm này, giá một thùng dầu chỉ có khoảng 10 đôla, còn hiện nay đã lên tới trên dưới 70 đôla. Ngày ấy, các chuyên gia địa chất dự đoán, trữ lượng dầu hỏa ở riêng khu vực miền Bắc quần đảo Falkland còn thấp hơn rất nhiều so với con số 3,5 tỷ thùng mà họ mới đưa ra. Chỉ riêng dữ liệu này thôi cũng đã cao hơn toàn bộ trữ lượng dầu hỏa trong khu vực lãnh hải của Anh ở Biển Bắc.

Do đó, nguồn lợi kinh tế kếch xù này đang đóng vai trò rất quan trọng trong một câu chuyện cũ. Dĩ nhiên là người Anh muốn khai thác nó trong khi người Argentina lại không muốn để mất tài nguyên mà họ tin là thuộc về đất nước mình.

Hơn nữa, việc khoan thăm dò lẫn khai thác còn là hình thức để phía Anh khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Falkland và nhằm củng cố sự quản lý trên thực tế. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã đủ để phía Argentina không thể chấp nhận nếu muốn duy trì quan điểm tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo.

Theo nhận định, những lợi ích mới này ở cả hai phía đang làm cho câu chuyện cũ giữa họ diễn biến không đến mức tái phát chiến tranh, nhưng chắc chắn càng thêm khó hóa giải.

Hồng Hậu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *