Những doanh nhân có đường hầm xuyên biên giới giữa Dải Gaza của người Palestine và Ai Cập cho biết, công việc làm ăn của họ chậm lại kể từ khi Israel công bố ý định bãi bỏ chính sách phong tỏa vùng đất này. Mạng lưới đường hầm có lúc lên đến con số 3.000 ngõ nhưng nay chỉ còn khoảng vài trăm đường sau khi Israel phát động chiến dịch ném bom ác liệt kéo dài 3 tuần lễ vào năm ngoái.
Hàng trăm đường hầm như thế này nối liền Ai Cập, Israel với dải Gaza |
Israel xem những đường hầm này là nguy cơ an ninh khi cho rằng, đây là những tuyến đường vận chuyển lậu vũ khí, quân nhu và viện trợ vào Dải Gaza. Hiện nay, khi ngày càng có nhiều hàng hóa được cho phép đi vào vùng lãnh thổ này qua các cửa khẩu đường bộ, việc vận tải hàng qua các đường hầm đương nhiên bị giảm lại.
Các mặt hàng từng bị Israel cấm đưa vào Dải Gaza như quần áo, giày dép, gỗ và nhôm nay đã được "bật đèn xanh" trên đường bộ. Tuy nhiên, nhiều thương nhân cho rằng, hệ thống đường hầm vẫn cần thiết dù Israel tuyên bố sẽ xóa bỏ chính sách phong tỏa. Theo họ, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Ai Cập sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển khi đi bằng đường hầm so với qua các cửa khẩu. Ngoài ra, chúng còn là con đường tuồn vào những hàng hóa, tiện nghi thật sự cần thiết cho người dân Palestine ở Dải Gaza mà Israel chưa cho phép nhập khẩu.
Đến nay, hầu như công việc xây dựng lại chưa được nhắc đến kể từ khi hàng ngàn nhà cửa, nhà máy bị phá hủy trong xung đột. Do đó, Liên hiệp quốc nhấn mạnh, vật liệu xây dựng cần phải được cho phép nhập khẩu vào Gaza.
Vĩnh Thới