Tổng thống Mỹ – Barack Obama |
Không ngạc nhiên là chương trình cải cách này vấp phải sự phản đối từ nhiều phía. Đầu tiên là các bác sỹ, công ty dược phẩm và bệnh viện. Tất cả các chi phí y tế đều rơi vào túi nhóm này. Trong khi đó, Obama có ý định kiểm soát các chi phí, đặc biệt là đàm phán lại để hạ giá một số loại thuốc.
Ngành Công nghiệp Dược phẩm Mỹ lập luận rằng, các khoản lợi nhuận lớn trong lĩnh vực này giúp các công ty tiến hành các nghiên cứu lâm sàng mà sau đó tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, về bản chất không phải tất cả nhóm này đều phản đối vì nếu tất cả người Mỹ được bảo hiểm, điều đó có nghĩa họ sẽ có thêm hàng triệu khách hàng.
Đối tượng sợ tiến hành cải cách bảo hiểm y tế nhất là các công ty bảo hiểm tư nhân. Nếu chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dược phẩm và tham gia vào thị trường này với giá cạnh tranh, các công ty sẽ mất đi rất nhiều khách hàng, dẫn đến nguy cơ phá sản. Theo nghiên cứu của nhóm tư vấn Lewin, 88 triệu người Mỹ sẽ từ bỏ bảo hiểm y tế tư nhân để sử dụng bảo hiểm y tế công.
Những người Đảng Cộng hòa và một số thành viên Đảng Dân chủ theo xu hướng bảo thủ cũng phản đối vì lý do ngân sách. 1.000 tỷ USD chi cho cải cách hiển nhiên sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách vốn đã ở mức 13.000 tỷ USD vào tháng 7/2009. Thượng Nghị sỹ Đảng Cộng hòa Jim DeMint so sánh chương trình cải cách này như trận Waterloo của Tổng thống Obama.
Văn bản cuối cùng chỉ được thông qua khi Nghị viện nhóm họp trong phiên tới. Trong thời gian này, giới vận động hành lang đang hoạt động ráo riết để ngăn cản. 1,4 triệu USD/ngày đã được chi nhằm để giữ nguyên trạng. 350 cựu thành viên Nghị viện đã được huy động thêm để tham gia vào cuộc vận động hành lang này.
Hồng Anh (Theo Reuters)