Các vụ tấn công liên tiếp trong hai ngày 22 và 23/08 tại thủ đô Baghdad của Iraq đã giết chết 4 người và làm 25 người bị thương. Bạo lực không ngừng tiếp diễn dù sắp đến hạn Quân đội Mỹ chính thức ngừng tham chiến tại Iraq đã đặt ra một dấu hỏi lớn cho tương lai đất nước vùng Vịnh này.
Bạo lực không ngừng tiếp diễn dù sắp đến hạn Quân đội Mỹ chính thức ngừng tham chiến tại Iraq. Ảnh minh họa |
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ấn định ngày 31/08 tới là thời điểm chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của các lực lượng Mỹ tại Iraq. Lầu Năm Góc cho biết, sau khi sứ mệnh chiến đấu chính thức kết thúc, số binh sĩ Mỹ tại Iraqk sẽ còn khoảng 6 lữ đoàn gồm 50.000 người, giảm mạnh so với thời điểm đỉnh cao 176.000 quân nhân trong hai năm 2006 – 2007. Các binh sĩ ở lại Iraq sẽ đảm nhận vai trò cố vấn – huấn luyện – hỗ trợ cho lực lượng an ninh nước sở tại đến cuối năm sau. Tuy nhiên, theo các quan chức quốc phòng Lầu Năm Góc, lính Mỹ sẽ được phép nổ súng để bảo vệ bản thân.
Tướng Raymond Odierno, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq cho rằng, lực lượng nổi dậy đang bị tiễu trừ và tình hình an ninh nói chung ở Iraq đang được cải thiện cùng với sự ổn định của nhà nước Iraq để bảo vệ người dân và thực hiện các chức năng của chính phủ. Tuy nhiên, đa số các nhà quan sát lại cho rằng, tình hình Iraq “mong manh, dễ vỡ” một khi lực lượng an ninh nước này phải đảm nhận toàn bộ việc đương đầu với các tay súng người Hồi giáo dòng Sunni và lực lượng nổi dậy người Hồi giáo dòng Shiite.
Ngay trong tháng 7 vừa rồi, theo chính số liệu của chính phủ Iraq, số dân thường thiệt mạng vì bạo lực đã tăng lên gấp đôi so với tháng trước. Nhiều người cũng chưa quên làn sóng bạo lực bùng lên giữa các phe phái tại Iraq sau cuộc bầu cử hồi tháng 3. Cuộc bầu cử mà đến nay vẫn chưa rõ lực lượng chính trị nào giành chiến thắng dẫn đến việc một chính phủ mới chưa được thành lập.
Có lẽ cũng hiểu rõ tình hình bất trắc khó lường nên trong bài phát biểu trên kênh truyền hình CNN ngày 22/08 , tướng Raymond Odierno nói rằng, lực lượng Mỹ tại Iraq sẽ sẵn sàng cho việc rút quân từ cuối năm 2011, song Mỹ vẫn để ngỏ khả năng sẵn sàng nối lại nhiệm vụ chiến đấu tại quốc gia vùng Vịnh này trong trường hợp cần thiết. Ông Odierno nói: “Lực lượng Mỹ có thể nối lại vai trò chiến đấu nếu như lực lượng an ninh nước này thất bại hoặc các phe nhóm chính trị chia rẽ lực lượng an ninh Iraq”. Dù vậy, tướng Odierno cho rằng, quân đội Iraq hiện đủ khả năng bảo đảm an ninh trong nước, song vẫn cần sự viện trợ của các lực lượng Mỹ trong công tác huấn luyện về hậu cần.
Washington đương nhiên muốn khép lại thật nhanh cuộc chiến “hao người, tốn của, mất thanh danh” ở Iraq. Tuy nhiên, việc Mỹ rút lực lượng chiến đấu khỏi Iraq rõ ràng không đồng nghĩa với việc đất nước vùng Vịnh này đã bước ra khỏi khói lửa chiến tranh.
THVL