Học giả Ron Pundak – một trong những kiến trúc sư chủ chốt của Hòa ước 1993 và hiện đang lãnh đạo Trung tâm Hòa bình Peres – cảnh báo rằng quan hệ Ixraen – Palextin đang bước vào thời điểm quyết định: hoặc có hòa bình thực sự lâu dài hoặc tự hủy diệt.

 Ông nói rằng những sự lựa chọn đặt trên bàn thương lượng hoặc là "hướng tới hòa bình, hợp tác trong khu vực và thịnh vượng" hoặc "đi theo chiều hướng tàn phá như hiện nay".

Palextin đã công khai chỉ trích gay gắt bài phát biểu hôm 14/6 của Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu, rằng ông đã đặt ra những điều kiện tiên quyết cho các cuộc thảo luận với Palextin. Những điều khoản này đã bị các nhà lãnh đạo Palextin thẳng thừng bác bỏ.

Trong số những điều khoản mà Chính phủ Netanyahu đưa ra có việc phía Palextin phải thừa nhận Ixraen là một nhà nước Do Thái, nhà nước Palextin tương lai phải được phi quân sự hóa hoàn toàn, những người tị nạn Palextin không có quyền hồi hương ở Ixraen và Ixraen không dỡ bỏ các khu định cư Do Thái lớn ở Bờ Tây.

Quan hệ Ixraen – Palextin đang bước vào thời điểm quyết định: hoặc có hòa bình thực sự lâu dài hoặc tự hủy diệt.

Theo Liên minh châu Âu EU, Thủ tướng Netanyahu đã tiến một bước khá dài khi nói rằng ông sẵn sàng thừa nhận một nhà nước Palextin, nhưng ông sẽ còn phải vượt qua một chặng đường dài nữa trong tương lai. Hội đồng châu Âu, đại diện cho 27 nước thành viên EU, đã soạn thảo một văn bản 9 điểm giải thích lập trường về tiến trình hòa bình Trung Đông và những điều các bên cần làm.

Trong số những khuyến nghị chính, EU nói rằng tất cả các nghị quyết có liên quan của HĐBA LHQ cần được thực thi. Châu Âu cũng ủng hộ sáng kiến hòa bình Ảrập, yêu cầu Ixraen rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này đã chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967 để đổi lấy việc tất cả các nước Ảrập công nhận Ixraen một cách đầy đủ. Thủ tướng Netanyahu đã đồng ý về một lệnh cấm toàn bộ hành động chiếm đoạt đất đai và dỡ bỏ các "tiền đồn" bất hợp pháp, nhưng lại khẳng định rằng các khu định cư hiện có của người Do Thái có quyền mở rộng do dân số ngày càng gia tăng.

Đối với EU, Mỹ và Palextin, phía Ixraen phải có những bước tiến đầu tiên, trong khi Thủ tướng Netanyahu quả quyết rằng bài phát biểu hôm 14/6 của ông chính là bước tiến đầu tiên đó và "quả bóng đang ở bên sân của Palextin". Theo học giả Pundak, đây chính là bất đồng cơ bản có thể khiến cho hai bên chia rẽ hơn bao giờ hết.

 Quốc Trung


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *