Ngày 06/08 vừa qua, tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản, lễ tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng do thảm họa bom nguyên tử cách đây 65 năm đã được tổ chức trọng thể. Đông đảo dân chúng cùng đại biểu từ hơn 70 quốc gia và tổ chức quốc tế đã đến tham dự buổi lễ.
Vào ngày 06/08/1945, một quả bom nguyên tử đã được Mỹ dội xuống Hiroshima |
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã có mặt trong số những đại biểu tham dự buổi lễ tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử tại Công viên Hoà bình Hiroshima. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu tổ chức ngoại giao lớn nhất hành tình đến dự hoạt động thường niên của Nhật Bản.
Trước khi tới Hiroshima, ông Ban đã đến Nagasaki, thành phố thứ hai của Nhật hứng chịu bom nguyên tử của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản John Roos cũng trở thành đại diện đầu tiên của chính quyền Washington tham dự dịp kỷ niệm này.
Theo ông Stephen Leeper, Chủ tịch Quỹ văn hoá hoà bình Hiroshima, sự có mặt của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc và Đại sứ Mỹ tại lễ tưởng niệm là nhân tố mang ý nghĩa rất lớn và được xem như sự đánh dấu về thay đổi quan niệm của thế giới đối với vũ khí hạt nhân.
Buổi lễ bắt đầu được cử hành vào lúc 8 giờ sáng ngày 06/08 theo giờ địa phương. Danh sách ghi tên 269.446 nạn nhân trong thảm hoạ bom nguyên tử được đặt trang trọng lên Đài tưởng niệm. Danh sách này hiện đã tăng thêm 5.501 người so với hồi năm 2009 do có thêm nhiều nạn nhân chịu ảnh hưởng của thảm họa bom nguyên tử qua đời trong suốt một năm qua.
Tại buổi lễ, ông Ban Ki-moon phát biểu một cách đầy cảm xúc: “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi là Tổng thư ký đầu tiên của Liên Hiệp Quốc tham dự lễ tưởng niệm hoà bình này. Tôi thực sự rất xúc động… Và tôi đến đây là vì hòa bình cho thế giới”.
Ông nói thêm: “Khi hai quả bom nguyên tử dội xuống Hiroshima và Nagasaki, lúc đó tôi mới 1 tuổi. Và chỉ sau này khi lớn lên, tôi mới bắt đầu hiểu được một cách đầy đủ tất cả những gì đã xảy ra ở đây…”. Tổng thư kí Liên hiệp quốc còn nhắc lại lời kêu gọi từ bỏ vũ khí hạt nhân và cho rằng, thế giới không có vũ khí hạt nhân là con đường duy nhất để tiến tới một thế giới an toàn. Ông khẳng định, cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân và giữ vững động lực này.
Tổng thư kí Ban Ki-moon cũng cam kết thúc đẩy đàm phán về giải giáp trong Hội nghị Giải trừ vũ khí hạt nhân do ông triệu tập tại thành phố New York của Mỹ vào Tháng 9 tới. Đến với lễ tưởng niệm lần này tại Hiroshima, ông Ban mang đến thông điệp rõ ràng: “Vũ khí hạt nhân cần phải được triệt tiêu!”
Tại buổi lễ, Thủ tướng Naoto Kan nhấn mạnh, người dân Nhật Bản cầu nguyện không bao giờ phải chứng kiến một lần nữa thảm họa từ vũ khí hạt nhân. Ông cũng hy vọng những nạn nhân của bom nguyên tử còn sống sót sẽ là những đại sứ đặc biệt trong tiến trình phi hạt nhân hóa, họ sẽ nói với thế giới về sự tàn nhẫn của việc sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như về ý nghĩa cao quý của hòa bình.
Thủ tướng Kan còn khẳng định cùng với việc duy trì ba nguyên tắc phi hạt nhân, Chính phủ Nhật Bản sẽ tích cực đề xuất các biện pháp cụ thể để thúc đẩy giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, tạo ra sự đồng thuận quốc tế về việc chống lại vũ khí hạt nhân.
Vào ngày 06/08/1945, một quả bom nguyên tử đã được Mỹ dội xuống Hiroshima, nơi có 350.000 dân sinh sống. Ngay lập tức, nơi đây đã trở thành một thành phố chết, bởi cứ 5 người thì có tới 2 người thiệt mạng do vụ ném bom. Khoảng một nửa trong số 140.000 người thiệt mạng tử vong ngay trong ngày đầu tiên, chủ yếu là do phỏng nặng. Nhiều tháng và thậm chí nhiều năm sau đó, danh sách nạn nhân của bom nguyên tử tại Hiroshima vẫn tiếp tục dài ra do các nguyên nhân phỏng, nhiễm phóng xạ và những thương tật khác.
Hồng Hậu