Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở thành phố New York, Mỹ diễn ra trong tuần qua, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã tuyên bố cộng đồng thế giới sẵn sàng tổng động viên nỗ lực để soạn thảo văn kiện tổng kết về chống biến đổi khí hậu. Theo ông, hội nghị này đã đưa ra một tín hiệu rõ ràng về việc hoàn toàn có khả năng hội nghị Copenhaghen sẽ ký một thỏa thuận hiệu quả, toàn diện và công bằng.

Khi những núi đang tan chảy. (Ảnh: worldviewglobalwarming)

Theo ông Ban Ki Moon, các mục ưu tiên của thỏa thuận tương lai là hỗ trợ các nước đang phát triển làm quen với biến đổi khí hậu, các biện pháp cụ thể về giảm thiểu khí độc hại thải vào khí quyển, cũng như chuyển giao các công nghệ tiết kiệm điện tiên tiến nhất cho các nước nghèo. Theo dự định, văn kiện về hạn chế thải khí độc vào khí quyển sẽ được ký kết tại hội nghị về khí hậu tại Côpenhaghen vào cuối năm nay. Nhiệm vụ chính của hội nghị là khắc phục rào cản tâm lý khi các nước phát triển không thông qua thỏa thuận giảm từ 25-40% khí thải cho tới năm 2020, còn các nước đang phát triển thì không muốn ràng buộc bởi các cam kết, một khi chưa nhận được viện trợ tài chính của chính phủ các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trái với sự chờ đợi của nhiều nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu, hai quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất là Trung Quốc và Mỹ đã khiến cho nhiều người thất vọng với những tuyên bố chung chung. Tại LHQ, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cam kết sẽ giảm thiểu một cách đáng kể khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2020. Thế nhưng, lãnh đạo Bắc Kinh không đưa ra con số cụ thể nào.

Trung Quốc cho biết chính các cường quốc đã gây ra tình trạng hiện nay nên họ phải đi tiên phong, cho dù Bắc Kinh cũng nhận thấy phần trách nhiệm của mình. Trong một văn kiện công bố hồi đầu năm, Trung Quốc yêu cầu các nước giàu phải giảm ít nhất 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và phải trợ giúp tài chính cho các nước đang phát triển. Các nhà lãnh đạo nước này giải thích rằng đất nước họ sẵn sàng tự ấn định mục tiêu riêng về mặt hiệu quả năng lượng nhưng không đưa ra con số nào.

Về phía Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã tỏ ra rất thận trọng. Ông kêu gọi thế giới hành động chống lại tình trạng thay đổi khí hậu nhưng không đưa ra bất kì đề xuất mới nào về vấn đề này. Tổng thống Obama cho rằng những khó khăn lớn nhất vẫn ở phía trước.
Thái độ của lãnh đạo Nhà Trắng đã gây thất vọng, cho dù mọi người đều biết, chính sách của Mỹ không tùy thuộc vào Tổng thống Mỹ và hồ sơ biến đổi khí hậu hiện còn đang bị bế tắc tại Thượng viện. Theo dự kiến, Thượng viện sẽ phải sửa đổi nhiều điểm trong dự luật đã được Hạ viện thông qua. Đặc biệt dự luật này dự kiến giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới 17% vào năm 2020 so với mức của năm 2005.

Hội nghị thượng đỉnh LHQ tại New York cho thấy hiện tại chưa phải tất cả các nước đều đã sẵn sàng với những gì mà người ta đang chờ đợi họ thực hiện. Liên quan đến điều này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất vào trung tuần tháng 10 tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu với sự tham gia của những nước chịu thiệt hại nhiều nhất bởi khí thải và lãnh đạo các nước có nền công nghiệp hàng đầu, đang thải khí công nghiệp vào khí quyển nhiều nhất.

Thanh Tâm (theo Reuters)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *