Trong tuần qua, thiên tai đã liên tiếp xảy ra ở khu vực Đông và Đông Nam châu Á gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của.

Sau khi đổ bộ vào tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào sáng 24/10 với sức gió dù giảm nhưng cũng lên tới 140 km/h, bão Megi đã tàn phá nhiều nhà cửa, hoa màu và cây cối trên đường tràn qua. Số liệu của tỉnh Phúc Kiến cho biết, khoảng 500 ngôi nhà bị sập, 2.000 tàu thuyền đánh cá bị hư hỏng, hơn 21.000 ha cây trồng bị ngã đổ. Thiệt hại kinh tế trực tiếp do bão gây ra ước tính khoảng hơn 1,5 tỷ NDT (tương đương 238 triệu USD).

Megi đã suy yếu khi tiến vào Phúc Kiến

Tuy nhiên, nhờ công tác chuẩn bị tránh bão được thực hiện tốt nên địa phương đã hạn chế được thiệt hại. Chính quyền đã kịp thời sơ tán hơn 150.000 người và yêu cầu hơn 53.000 tàu đánh cá quay trở về cảng. Các hồ chứa nước, đê điều, trường học, bến phà và hệ thống cầu đường được theo dõi và quản lý chặt chẽ trong thời gian có bão.

Cũng trong tuần qua, thiên tai đã gây thiệt hại nghiêm trọng ở Indonesia. Một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra vào tối thứ hai (25/10) và chỉ 15 phút sau đó, một cơn sóng thần đã ập vào quần đảo Mentawai đã làm 400 người thiệt mạng, hơn 500 người khác mất tích và 10 ngôi làng bị xóa sổ. Ước tính có hơn 20.000 gia đình bị mất nhà cửa. Các đội cứu trợ và lực lượng quân đội, cảnh sát, nhân viên y tế đã lên đường tới nơi xảy ra thảm họa, nhưng vì thời tiết xấu, sóng biển rất cao nên công tác cứu trợ triển khai rất khó khăn.

Trong một diễn biến khác, núi lửa Merapi ở tỉnh Trung Java đã phun trào hôm thứ 3 (26/10) làm 32 người thiệt mạng và liên tục phun trào vào những ngày kế tiếp. Chính quyền đã phải tổ chức sơ tán gần 50.000 người.

Các nhân viên cứu hộ đã trèo lên sườn núi còn phủ đầy tro bụi nóng bỏng để tìm kiếm những người còn mong manh hy vọng sống sót và thi thể các nạn nhân bị chết bỏng do những dòng nham thạch nóng tới 600 độ C và những cột khói bụi phun trào từ miệng núi lửa với tốc độ 300 km/h.

Thiên tai luôn là mối lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong báo cáo về các thảm họa thiên nhiên năm 2010 được công bố vào ngày 26/10, Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh châu Á – Thái Bình Dương luôn bất ngờ trước các thảm họa thiên nhiên do thiếu năng lực đánh giá toàn diện về thảm họa thiên nhiên và yếu kém trong công tác chuẩn bị để phòng chống.

Nguy cơ người dân khu vực này bị các thảm họa thiên nhiên tác động cao gấp 4 lần so với người dân châu Phi và gấp 25 lần so với người dân châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Vì vậy, chiến lược phòng chống và giảm nhẹ thảm họa thiên nhiên trong khu vực này cần phải được thực sự quan tâm xem xét trong một khuôn khổ rộng lớn hơn.

Anh Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *