Vừa qua, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cho biết, IMF đang tìm cách đổi mới quan hệ của mình với các nước châu Á, đồng thời thừa nhận vai trò lớn hơn của những nước này trong nền kinh tế toàn cầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thừa nhận vai trò lớn hơn của những nước châu Á trong nền kinh tế toàn cầu

Thông qua việc tổ chức một hội nghị chung với Bộ Tài chính Hàn Quốc từ ngày 12 đến ngày 13/7 tại thành phố Daejeon của Hàn Quốc, IMF muốn thể hiện rõ mong muốn tăng cường quan hệ với các nước châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính mà các nước châu Á phục hồi tốt hơn so với các nước tiên tiến.

Ngoài việc nhấn mạnh tới vị thế được nâng cao và tiếng nói có trọng lượng hơn của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu, IMF cũng đề cập đến nhiều chủ đề liên quan đến khu vực này trong suốt các phiên thảo luận, như sự mất cân bằng xã hội, động cơ tăng trưởng mới và cải cách tài chính.

Với chủ đề "Châu Á thế kỷ XXI: Con đường tiến lên phía trước", hội nghị đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về cách thức để các nước châu Á có thể tăng cường vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu và IMF có thể hợp tác tốt hơn với khu vực này trong các vấn đề còn tồn đọng. Ông Strauss-Kahn bày tỏ hy vọng đổi mới quan hệ giữa các nước châu Á và IMF.

Ông Strauss-Kahn nhấn mạnh, các nước châu Á đã thực thi những chính sách "đúng đắn" dựa trên bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng 1997 – 1998, đồng thời nêu rõ những quyết định của châu Á có ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, trong khi đổi lại tình hình kinh tế toàn cầu sẽ có tác động tới lập trường, chính sách của từng nước châu Á. Theo ông Strauss-Kahn, khi quan hệ giữa châu Á và xã hội bên ngoài ngày càng thắt chặt hơn, châu Á cần có tiếng nói lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu.

Một trong những cách nhằm chứng tỏ vai trò mở rộng của châu Á là kế hoạch sửa đổi cơ chế bỏ phiếu trong IMF, dự kiến được thực thi vào cuối năm nay. IMF tuyên bố đã quyết định chuyển 5% quyền bỏ phiếu dành cho các nước phát triển sang các nước đang phát triển, phần lớn là ở châu Á, nâng tổng số quyền bỏ phiếu của châu Á lên tới 7,7%. Với việc thay đổi cơ cấu quyền bỏ phiếu của mình, IMF hy vọng các nước châu Á sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế toàn cầu nói chung, trong đó có việc tăng cường hợp tác và phối hợp trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Strauss-Kahn nhận định, châu Á sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước, như cần phải mở rộng thương mại trong khu vực cũng như với các châu lục khác trên thế giới.

Khu vực tài chính dễ bị tổn thương cũng nằm trong những thách thức mà châu Á đang phải đương đầu. IMF cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực trong vấn đề giải quyết nghèo đói, không ngừng giúp đỡ các nước có thu nhập thấp ở châu Á. Tổng Giám đốc IMF cho rằng, các nước châu Á cần chú ý khuyến khích tiêu dùng nội địa đồng thời tập trung giải quyết các vấn đề nghèo đói và bất công trong xã hội. Ông Strauss-Kahn cũng thúc giục các quốc gia châu Á tham gia xây dựng các chính sách toàn cầu của IMF.

Về những vấn đề mà IMF cần làm, ông Strauss-Kahn cho biết, Quỹ sẽ tăng cường các nỗ lực để nâng cao hiệu quả cho các chính sách của IMF nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho một cộng đồng người rộng lớn tại châu Á. IMF cũng cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực trong vấn đề giải quyết nghèo đói, tiếp tục cung cấp viện trợ cho các quốc gia có thu nhập thấp tại châu Á.

THVL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *