Báo "Thương gia" (Nga) cho biết tuần này, sau khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký kết Hiệp ước mới nhằm cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START mới) vào ngày 8/4 vừa qua tại Praha, văn kiện này sẽ được trình lên Quốc hội hai nước phê chuẩn. Nhưng theo các nhà quan sát, việc phê chuẩn START mới sẽ không kém phần khó khăn và kéo dài như việc Nga và Mỹ chuẩn bị cả năm trời để ký kết nó.
Nga – Mỹ ký kết hiệp ước START mới tại Praha |
Matxcova mong muốn cả Quốc hội Nga và Quốc hội Mỹ đều ký START mới vào cùng một thời điểm. Điều này đã được Trợ lý tổng thống Nga Sergey Prikhodko công khai tuyên bố ngày 2/4. Tuy nhiên, ông Prikhodko cũng hiểu rõ, START mới sẽ vấp phải "sự kháng cự không nhỏ" ở Quốc hội hai nước. Nhưng ông Prikhodko không nghi ngờ về khả năng Hạ viện và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga sẽ phê chuẩn START mới, một văn kiện được đích thân Tổng thống Medvedev rất quan tâm và trực tiếp can thiệp.
Matxcơva hiện lo lắng nhất về khả năng liệu Thượng viện Mỹ có phê chuẩn START mới hay không? Không ngẫu nhiên tháp tùng Tổng thống Medvedev tới Praha có cả Chủ tịch Ủy ban Đuma về quan hệ quốc tế, ông Konstantin Kosachev và Chủ tịch Ủy ban quốc tế của Hội đồng Liên bang, ông Mikhail Marghelov.
Về phần mình, Tổng thống Obama cũng mang tới Praha nhiều thượng nghị sĩ có ảnh hưởng để thảo luận với các đồng nghiệp Nga vận mệnh của START mới. Ông Kosachev cho biết, các nghị sĩ Nga và Mỹ đã có nhiều cuộc tiếp xúc với nhau và sau lễ ký tại Praha, họ đã gặp nhau để bàn kỹ hơn về đề tài này.
Ông Marghelov tiết lộ ngay sau Hội nghị về an ninh hạt nhân tổ chức vào ngày 12/4 ở Washington, hai đoàn nghị sĩ Nga và Mỹ sẽ gặp nhau để trao đổi về tiến trình phê chuẩn START mới. Đoàn đại biểu Nga sẽ trao đổi ý kiến và khẳng định với phía Mỹ rằng, việc phê chuẩn START mới không phải là "quà tặng" của Nga cho Mỹ hoặc của Mỹ cho Nga. Đây là trách nhiệm chung của hai nước trong lĩnh vực an ninh quốc tế. Trong vấn đề này, các bên nên dẹp sang một bên những mâu thuẫn giữa các chính đảng đối trọng và cần nhân nhượng nhau, cùng nhau đạt thỏa thuận vì lợi ích dân tộc.
Matxcơva nhận thức rõ khó khăn để Thượng viện Mỹ thông qua START mới vì theo luật pháp Mỹ, phải có 2/3 số thượng nghị sĩ (67/100) bỏ phiếu ủng hộ để chuẩn y START mới trong khi đảng Dân chủ chỉ chiếm 57 ghế tại cơ quan lập pháp này.
Hiện đảng Dân chủ mới hy vọng giành được sự ủng hộ của hai thượng nghị sĩ độc lập gồm Berni Sanders và Jozef Liberman. Như vậy, còn thiếu đến 8 phiếu ủng hộ để Thượng viện Mỹ có thể thông qua START mới.
Giám đốc Học viện Mỹ và Canađa, ông Sergey Rogov, cho rằng, xét về tương quan lực lượng hiện nay, việc đảng Dân chủ Mỹ muốn kiếm thêm 8 phiếu ủng hộ là rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh tháng 12/2009, 40 thượng nghĩ sĩ thuộc đảng Cộng hòa cùng ông Liberman đã gửi thư cho Tổng thống Obama, trong đó khẳng định START mới không được hạn chế và ảnh hưởng đến hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ và đòi Chính quyền Mỹ phải dành thêm kinh phí từ ngân sách cho quá trình chế tạo đầu đạn hạt nhân mới.
Một sự kiện nữa làm cho vấn đề phê chuẩn START mới càng thêm nóng hổi là vào tháng 11 tới, Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu lại 1/3 số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ.
Hiện, nhiều nhà quan sát đã nhận xét rằng, đảng Cộng hòa sẽ lấn át đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử bổ sung tới. Chính vì vậy, Nhà Trắng muốn việc phê chuẩn START mới sẽ kết thúc trước tháng 11/2010.
Trong trường hợp ngược lại, đảng Dân chủ sẽ phải tìm kiếm sự ủng hộ không phải của 8 thượng nghị sĩ, mà của 15-20 thành viên Thượng viện. Thêm một vật cản cho quá trình phê chuẩn START mới là một số thượng nghị sĩ Mỹ không quan tâm đến "sự nghiệp" cắt giảm vũ khí.
Điện Kremli đang hy vọng, Tổng thống Obama sẽ vượt qua sự chống đối nêu trên để START mới được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực.
Một đại diện Phủ Tổng thống Nga tuyên bố, Tổng thống Obama đã chứng minh khả năng chiến đấu của ông trong quá trình soạn thảo và đệ trình Luật cải cách Y tế lên Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Hy vọng, ông Obama cũng sẽ thành công như vậy với START mới.
Một nguồn tin khác thân cận với đoàn đàm phán Nga – Mỹ về START mới xác nhận, Washington đã cam kết với Matxcơva rằng, họ đã xác định được 8 phiếu ủng hộ từ phái thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa và họ sẽ "làm việc" cụ thể với từng người trong số đó.
Trong khi đó, dư luận cùng một số báo và tạp chí Nga số ra mới đây vạch rõ cản trở lớn nhất để hai viện Quốc hội Nga có thể phê chuẩn START mới là điều khoản liên quan đến Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà Lầu Năm Góc dự định bố trí tại các khu vực khác nhau trên thế giới, trước hết trên lãnh thổ các nước Ba Lan, Séc, Bungari và Rumani. Các báo này lưu ý, trong khi Matxcơva quả quyết START mới ghi nhận trách nhiệm pháp lý của sự liên quan START mới – NMD thì Washington vẫn khẳng định START mới không cản trở Mỹ triển khai NMD.
Hồng Hậu