Một lần nữa, giới lao động ở Pháp lại khơi mào làn sóng phản đối dự luật cải cách hưu trí của Chính phủ. Trong 2 ngày (06 và 07/09) vừa qua, các công đoàn ở nước này đã tổ chức cuộc đình công và biểu tình rầm rộ trên cả nước. Đó cũng là tâm điểm của một tuần lễ đầy khó khăn của Tổng thống Nicolas Sarkozy, bởi vì dự luật trên được coi là thách thức quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm của ông.

Cuộc đình công ngày 7/9 khởi đầu tuần lễ đầy thách thức đối với chính phủ Pháp

Ngay trước khi Chính phủ trở lại làm việc sau đợt nghỉ hè, Pháp đã chứng kiến nhiều dấu hiệu báo động đỏ như tăng trưởng kinh tế yếu, tỷ lệ thất nghiệp không thuyên giảm, thâm hụt ngân sách tiếp tục tăng vọt… Cuộc đình công bắt đầu từ ngày 06/09 khi các giáo viên tiểu học không đến trường. Một số trường trung học cơ sở và phổ thông cũng tham gia biểu tình để phản đối việc cắt giảm lượng giáo viên và nhân viên ngành giáo dục trong bối cảnh điều kiện thị trường việc làm ngày càng thấp. Ngày 07/09, giới công đoàn kêu gọi toàn thể người lao động Pháp xuống đường chống lại dự luật cải cách hưu trí. Đây cũng là cuộc biểu tình thứ ba chống lại dự luật cải cách hưu trí trong năm 2010.

Một trong những điểm chính của dự luật trên là từ đây đến năm 2018, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng từ 60 lên 62 tuổi. Bất đồng trước kế hoạch đó, khoảng 2 triệu người đã xuống đường tham gia biểu tình trên toàn nước Pháp. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, có tới 70% người dân Pháp ủng hộ “ngày hành động xã hội” này. Ngoài ra, các cuộc biểu tình phản đối chính sách an ninh trật tự trong những ngày qua cũng làm cho tình hình xã hội càng thêm nóng bỏng, giữa lúc chính phủ và Đảng UMP cầm quyền rơi vào tình thế khó khăn.

Ngày 07/09, Bộ trưởng Lao động Pháp Eric Woerth đã trình dự luật cải cách hưu trí lên Quốc hội khi uy tín của ông đang bị suy giảm nghiêm trọng do những cáo buộc lạm dụng chức quyền, nhập nhằng lợi ích công – tư trong một vụ bê bối về thuế khóa. Kết quả là có tới 60% người Pháp mong muốn ông từ chức.

Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận của cơ quan CSA và tờ Người Paris, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Francois Fillon cũng sụt giảm nghiêm trọng, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007. Báo chí Pháp nhận định, đây là một tuần lễ thử thách đối với chính phủ và bản thân ông Sarkozy.

Mặc dù vậy, hôm 10/09, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách hưu trí mặc dù Đảng Xã hội đối lập tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh để bãi bỏ nó và các công đoàn ở nước này đe dọa tổ chức một “ngày hành động” mới vào 23/09 tới.

Theo giới phân tích, cuộc đình công có thể là một “trận chiến cuối cùng” để giữ danh dự cho giới công đoàn, hoặc sẽ khởi đầu cho ngọn lửa xã hội bùng phát. Cuộc “đọ sức” giữa chính phủ và giới công đoàn có thể kéo dài và cuộc biểu tình này sẽ đóng vai trò như một chất xúc tác nhằm làm nổi rõ hơn những bất bình trong xã hội Pháp hiện nay, trước bối cảnh chỉ còn hai năm nữa nước Pháp sẽ tổ chức bầu cử tổng thống, nếu tình trạng này kéo dài, sự nghiệp chính trị của Tổng thống Sarkozy sẽ trở nên mong manh hơn.

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *