Tổng thống Mahinda Rajapakse và các binh sỹ chính phủ. |
Về quân sự, chiến dịch chống LTTE kéo dài 2 năm qua của Xri Lanca là một thành công lớn. Vấn đề chủ chốt dẫn đến thắng lợi này là do quân đội Xri Lanca được trang bị máy bay chiến đấu, rađa, máy bay do thám không người lái của Trung Quốc và Ixraen, từ đó cho phép lực lượng mặt đất tấn công chính xác các mục tiêu của LTTE. Quân đội Xri Lanca đã sử dụng chiến thuật du kích – phân tán thành những tốp nhỏ di chuyển qua rừng chứ không qua các con đường lớn. Tình báo quân sự Xri Lanca chia rẽ LTTE bằng cách thuyết phục đại tá Karuna, nhân vật chỉ huy thứ hai của LTTE, đảo ngũ năm 2004, cho phép quân đội đánh bật lực lượng nổi loạn ra khỏi khu vực phía Tây Xri Lanca năm 2007. Được sự yểm trợ của hải quân Mỹ và Ấn Độ, lực lượng hải quân tấn công các tàu tiếp tế của LTTE.
Trên mặt trận chính trị ở trong nước, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Xri Lanca năm 2005, ứng cử viên Mahinda Rajapaksa cam kết sẽ cứng rắn với LTTE và đã thắng lợi ở phần lớn các địa phương do nhà lãnh đạo Velupillai Prabakharan của LTTE yêu cầu các thành viên LTTE ở phía Đông Bắc tẩy chay bầu cử. Sau đó, Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã liên minh lực lượng với đảng của những người Sinhal theo chủ nghĩa dân tộc để khuấy động tinh thần yêu nước đồng thời kiềm chế các phe đối lập chính trị bằng cách liệt kê những người chỉ trích vào danh sách khủng bố, hạn chế giới truyền thông trong nước tiếp cận các trận tuyến và không công bố những thiệt hại và thương vong trong nhiều tháng.
Trên vũ đài quốc tế, Xri Lanca dựa vào đạo luật chống khủng bố được ban hành sau các cuộc tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001 và nỗ lực vận động chính quyền Mỹ, Liên minh châu Âu, Canađa, Ôxtrâylia đưa LTTE vào danh sách các nhóm khủng bố quốc tế đồng thời đề nghị các nước ngăn chặn các nguồn cung cấp tài chính cũng như vũ khí từ bên ngoài cho LTTE. Gần đây nhất, Xri Lanca quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, Iran và nhiều nước lớn khác không thuộc châu Âu để cân bằng lực lượng nhằm hạn chế những lời chỉ trích của phương Tây khi phát động cuộc chiến.
Bên cạnh đó, Xri Lanca còn giành được sự ủng hộ của đảng Quốc đại cầm quyền tại Ấn Độ, bởi vì lãnh đạo đảng Sonia Gandhi muốn báo thù cho chồng đã bị LTTE sát hại năm 1991. Kết quả, Xri Lanca đã làm cho hệ thống LHQ bị "tê liệt" bởi các nước phương Tây không thể đưa vấn đề Xri Lanca ra Hội đồng Bảo an. Các nước không thể đưa ra bằng chứng tội phạm chiến tranh đối với Xri Lanca và IMF sẽ cung cấp tín dụng cho nước này vì chiến tranh đã chấm dứt.
THVL