Thiên tai là chủ đề nhức nhối và dai dẳng từ suốt tuần qua đến nay, nhiều hình ảnh chủ đạo trên các phương tiện truyền thông gần đây là “lửa” và “nước”. Lửa vẫn đang tàn phá ở Nga, còn nước thì đang nhấn chìm nhiều khu vực ở châu Á. Thiên tai đã gây ra nỗi bất hạnh cho hàng chục triệu người trên hành tinh khiến người ta phải đặt câu hỏi: Thế giới này sẽ đi về đâu?

Tỷ lệ tử vong ở Nga đã tăng gấp đôi do hậu quả của vụ cháy rừng, khói bụi và nắng nóng

Hỏa hoạn, nước Nga ngộp thở”, đó là nhận định trên tờ Libération của Pháp. Điều đó không phải là sự kiện mới nhưng trận hỏa hoạn kéo dài trước sự bất lực của con người đang ngày càng đe dọa tới tính mạng của nhân loại. Tỷ lệ tử vong ở Nga đã tăng gấp đôi do hậu quả của vụ cháy rừng, khói bụi và nắng nóng. Người ta đang lo ngại bệnh dịch sẽ lan tràn khi nước Nga đang đối mặt một thảm họa về sinh thái và y tế.

Trong khi đó, lũ lụt, lở đất vẫn đang hoành hành tại Trung Quốc, Ấn Độ và nặng nhất là Pakistan – nơi có tới 16 triệu người trở thành nạn nhân của trận lũ lụt tàn khốc nhất lịch sử. Chính quyền Islamabad không hề giấu giếm rằng, đợt thiên tai này đã vượt quá tầm kiểm soát và khả năng ứng phó của họ.

Tác động của thảm họa lũ lụt ở Pakistan còn nặng nề hơn cả trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương

Liên hiệp quốc đánh giá tác động của thảm họa lũ lụt ở Pakistan còn nặng nề hơn cả trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương và tồi tệ hơn cả trận động đất ở Haiti. Nhiều người khẳng định, đây là một trong những trận thiên tai lớn nhất của thế kỷ.

Không riêng gì Pakistan, từ miền Bắc Ấn Độ cho đến CHDCND Triều Tiên rồi đến miền Tây Trung Quốc, những trận mưa lớn kéo dài đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng, bị thương và lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Trước những cơn giận dữ của thiên nhiên như vậy, con người vẫn hầu như luôn tỏ ra bất lực. Điển hình như cơn bão Katrina tàn phá vùng Louissiana của Mỹ vào năm 2005 cho thấy sự buông lỏng quản lý của chính quyền. Đất nước giàu có nhất thế giới này cũng vẫn thường xuyên phải bất lực trước những rủi ro do thiên nhiên mang tới. Nhiều bài báo nhận định, có vẻ như số lượng thảm họa, thiên tai gần đây cho thấy còn lâu con người mới chế ngự được thiên nhiên.

Trong khi đó, tờ Le Figaro của Pháp nhắc đến một sự kiện khác có liên quan đến môi trường sống của chúng ta. Đó là việc một khối băng khổng lồ có diện tích 260 km², tức lớn gấp hai lần thành phố Paris, đang tách ra khỏi đảo băng Greenland. Tờ báo này đặt câu hỏi: “Có phải hiện tượng này là do biến đổi khí hậu?”.

Một khối băng khổng lồ lang thang trên biển

Tuy chưa có câu trả lời chính xác, nhưng giới quan sát khoa học đã nhận định rằng, nhiệt độ Trái đất trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng lên mức cao nhất trong suốt một thế kỷ qua và ngay từ đầu thế kỷ này, chúng ta đã thấy các núi băng ở hai cực Trái đất đang tan chảy nhanh chóng.

Anh Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *