Sau vụ đánh bom kép giữa tháng 7 vừa qua tại Thủ đô Kampala của Uganda làm 74 người chết và hơn 70 người bị thương, Mỹ và phương Tây đang lo ngại hình thành những tổ chức khủng bố quốc tế mới ở Ðông Phi, khu vực đang trở thành mảnh đất màu mỡ của Al-Qaeda.
Lực lượng Al-Shabab kiểm soát khu vực ngoại ô Thủ đô Mogadishu của Somali |
Các vụ tấn công nêu trên đều do nhóm Hồi giáo Al-Shabab nổi dậy có quan hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda tiến hành, nhằm trả thù việc Uganda đưa quân tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi (AU) ở Somali, nơi quân đội chính phủ đang tiến hành các đợt truy quét lực lượng nổi dậy.
Al-Shabab còn dọa sẽ tiến hành các vụ tương tự ở Burundi, quốc gia cũng có quân đội tham gia gìn giữ hòa bình ở Somali.
Trong hơn ba năm qua, cuộc nội chiến giữa lực lượng Hồi giáo cực đoan Al-Shabab và các nhóm nổi dậy khác nhằm giành quyền kiểm soát Somali đã khiến đất nước miền Đông châu Phi này mất ổn định và trở thành địa bàn lý tưởng cho các nhóm khủng bố, trong đó có các nhánh của Al-Qaeda hoạt động. Al-Shabab là nhóm chủ trương theo đường lối Hồi giáo cực đoan, có liên hệ với Al-Qaeda và luôn tìm cách lật đổ Chính phủ lâm thời Somali nhằm ban hành luật Hồi giáo tại đây.
Nhóm này hiện kiểm soát nhiều khu vực ở miền Nam và miền Trung, thậm chí cả Thủ đô Mogadishu của Somali. Người Somali thường tố cáo Al-Shabab dùng dân thường làm bia đỡ đạn và đặt súng lớn từ những vùng đông dân cư để tấn công các binh sĩ gìn giữ hòa bình quốc tế. Al-Shabab tuyển mộ các tay súng từ Iraq, Afghanistan và Pakistan để thực hiện các cuộc tấn công trong khu vực Ðông Phi.
Hiện nhóm này có khoảng từ 3.000 đến 6.000 tay súng, trong đó có nhiều người nước ngoài. Theo Cục Ðiều tra Liên bang Mỹ FBI, Al-Shabab không chỉ mở rộng ở Somali mà tổ chức này còn tuyển mộ cả những tay súng người Mỹ gốc Somali nhằm đào tạo và thực hiện các vụ khủng bố ở trong và ngoài khu vực. Trong những năm qua, Al-Shabab đã tiến hành nhiều vụ đánh bom liều chết nhằm vào các đơn vị gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tại Somali. Năm 2008 và 2009, đã có 42 nhân viên Liên hiệp quốc thiệt mạng bởi các cuộc tấn công của Al-Shabab.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Al-Shabab thực hiện các vụ tấn công bên ngoài Somali là "một bước tiến nguy hiểm" bởi các nước láng giềng ở khu vực Ðông Phi như Kenya, Ji-bu-ti, Ethiopia và Burundi cũng phải đối mặt các cuộc tấn công mới của Al-Shabab.
Trước đó, tháng 5/2010, Tổ chức khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng, Al-Shabab ngày càng có những biến chuyển để trở thành một tổ chức khủng bố quốc tế như Al Qaeda. Và như vậy, khu vực Ðông Phi có nguy cơ sẽ là "căn cứ" của các tổ chức khủng bố, nhất là sau khi trùm khủng bố Bin Laden tuyên bố sẽ hỗ trợ các phong trào Hồi giáo cực đoan ở đây.
Lo ngại trước những vụ đánh bom đẫm máu được tiến hành bởi các nhóm khủng bố, các nước khu vực Ðông Phi tăng cường các biện pháp an ninh dọc biên giới Somali. Bất chấp lời cảnh báo tiếp tục tiến hành các vụ tấn công ở Uganda, Chính phủ Uganda đã tuyên bố không rút lực lượng khỏi Somali, thậm chí còn gửi thêm 2.000 quân tới đây để sẵn sàng ứng phó.
An ninh và hòa bình cho Somali cũng trở thành chủ đề nóng bỏng tại Hội nghị cấp cao của Liên minh châu Phi AU vừa qua ở Uganda. Mỹ cho rằng, lực lượng khủng bố ở khu vực vùng sừng châu Phi đang gia tăng khó có thể kiểm soát và đang tìm cách hỗ trợ hơn nữa cho các lực lượng gìn giữ hòa bình của AU để ngăn chặn hoạt động của các tổ chức khủng bố ở khu vực này.
Hiện AU mới triển khai khoảng 5.000 quân ở Somali, trong khi thực tế phải cần tới 20.000 quân mới có thể kiểm soát tình hình ngày càng phức tạp tại đây.
Anh Bằng