Nhận định về cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa đều dự đoán hiện trạng kinh tế Mỹ sẽ là vấn đề hàng đầu chi phối sự kiện chính trị này.
![]() |
Ảnh minh họa |
Phát biểu trong chương trình "Chủ nhật" của đài truyền hình Fox News, cả Thượng nghị sĩ Dân chủ Jack Reed và Thượng nghị sĩ Cộng hoà John Cornyn đều cho rằng, cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào cuối năm nay sẽ rất khó dự đoán vì vấn đề kinh tế sẽ chi phối lá phiếu của các cử tri, tác động tới kết quả bầu cử. Cuộc chạy đua giữa hai đảng sẽ được quyết định dựa trên những nhận định của cử tri về hiện trạng nền kinh tế, nợ nần, chi tiêu cũng như cách thức giải quyết vấn đề này của mỗi đảng.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Bloomberg, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc đảng Dân chủ, ông Tim Kaine, dự đoán với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (khoảng 9,5%), trong khi số việc làm mới tăng chậm, đảng Dân chủ của Tổng thống Barak Obama có thể gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ quyền kiểm soát tại Hạ viện.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen nhấn mạnh, trong khi đảng đang nỗ lực khôi phục sự thịnh vượng của Mỹ thì đảng Cộng hòa đang muốn quay lại các chính sách của cựu Tổng thống George W.Bush, có thể đẩy nước này đến bờ vực thẳm.
Tuy nhiên, một người phát ngôn của Ủy ban bầu cử của đảng Cộng hòa khẳng định, đảng Dân chủ khó có thể biện minh cho chính sách kinh tế của mình do đã khiến tỷ lệ thất nghiệp lên cao cũng như đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng nợ nần chồng chất. Trong khi đó, chính sách kinh tế của đảng Cộng hoà sẽ lập lại trật tự cho hệ thống tài chính Mỹ và khuyến khích tăng đầu tư vào nền kinh tế nhằm tạo ra nhiều việc làm mới.
Đảng Dân chủ hiện đang chiếm ưu thế ở Thượng viện và Hạ viện, song toàn bộ 435 ghế Hạ nghị sĩ và 37 ghế Thượng nghị sĩ sẽ được bầu lại trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.
Trong khi đó, giới phân tích kinh tế khẳng định, hiện Mỹ đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng tài chính trên quy mô lớn. Nếu so sánh với các vấn đề của Mỹ, thì tình trạng khó khăn của Hy Lạp chỉ mang tính tạm thời và có thể sẽ phải cần tới 6.000 tỷ USD để cứu vãn nền kinh tế đầu tàu thế giới này.
Các chuyên gia kinh tế thừa nhận, khác với dự đoán lạc quan, nề̀n kinh tế Mỹ vẫn chưa thể thoát ra khỏi giai đoạn khủng hoảng tài chính. Nếu mới đầu mùa hè, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo Mỹ đang trong quá trình khôi phục kinh tế và tình hình trên thị trường lao động đã cải thiện thì nay thể chế này lại cho rằng, quá trình hồi phục của nền kinh tế đang giảm dần. Thực tế, chính sách kích thích tài chính đã không mang lại kết quả như mong muốn, tỷ lệ thất nghiệp không suy giảm, sức mua của người dân giậm chân tại chỗ và các ngân hàng không cho vay tín dụng.
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Mỹ đang bị ép lại khi sức mua – động cơ chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trì trệ. Thực trạng nợ nần cũng rất đáng lo ngại, các món nợ khổng lồ và những cam kết tài chính cao có thể dẫn đến việc thâm hụt ngân sách quốc gia chiếm tới 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Vì vậy, để thoát ra khỏi tình trạng trên, giới chuyên gia cho rằng, Washington cần phải cắt giảm các khoản chi từ ngân sách hoặc tăng gấp đôi mức thuế, song các biện pháp này sẽ đánh mạnh vào uy tín của chính quyền của Tổng thống Obama.
Quốc Trung