Cắt giảm chi tiêu công nhưng không bóp nghẹt sự phục hồi đang là trọng tâm của cuộc chạy đua bầu cử tại Anh khi cả ba đảng lớn đều cam kết giảm bớt nợ và trừng trị các chủ ngân hàng "tham lam", nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri vẫn còn do dự.
Tuần qua, Công đảng của Thủ tướng Gordon Brown, đảng Bảo thủ đối lập chính và đảng Dân chủ Tự do đã đẩy mạnh chiến dịch vận động bầu cử, sau khi đưa ra các cương lĩnh riêng và tiến hành các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình.
Hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy đảng Bảo thủ sẽ chiến thắng, nhưng không giành được đa số, khiến ở Anh hình thành một quốc hội "treo", mà đảng Dân chủ Tự do đứng thứ ba có thể chi phối việc bổ nhiệm những chức vụ quan trọng.
Cho dù đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng tới, các nhà kinh tế cho rằng, việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu là điều cần thiết, khi số tiền đi vay có thể chạm mức kỷ lục 167 tỷ bảng Anh (189 tỷ euro, 257 tỷ USD) trong tài khóa 2009 – 2010.
Tuy nhiên, theo Linda Yueh, giảng viên kinh tế của trường Đại học Oxford, cương lĩnh của các đảng không nêu rõ mức cắt giảm là bao nhiêu. Yueh nói: "Các đảng không nói rõ các biện pháp mà họ thực sự sẽ áp dụng để giảm thâm hụt ngân sách. Họ không hề đưa ra kế hoạch cắt giảm chi tiêu cụ thể và đáng kể, mặc dù đây là điều cần thiết, khiến cho việc đánh giá trở nên khó khăn".
Việc cắt giảm thâm hụt đã trở thành chủ đề quan trọng trong thời gian trước tổng tuyển cử. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và giới chính khách cho rằng, việc ban hành những chính sách tài chính nóng vội có thể gây hại cho sự phục hồi kinh tế mong manh của Anh sau cuộc suy thoái kinh tế. Cả Công đảng lẫn đảng Dân chủ Tự do đều cho rằng nên thực hiện cắt giảm thâm hụt ngay trong năm 2011 để tránh nguy cơ "suy thoái kép".
Tuy nhiên, thủ lĩnh đảng Bảo thủ David Cameron đã phản bác rằng, cần phải nhanh chóng hành động để giảm bớt 6 tỷ bảng Anh "lãng phí" trong năm nay, đồng thời nói thêm rằng động thái này sẽ giúp duy trì xếp hạng tín dụng AAA hàng đầu của Anh.
Thủ tướng Brown muốn giảm một nửa thâm hụt nhà nước của Anh vào năm 2014 thông qua hệ thống thuế "công bằng" và giảm những khoản chi tiêu được xếp ở hạng "ưu tiên thấp". Trong khi đó, thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do Nick Clegg đã phác thảo các kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm chi tiêu tới 62,85 tỷ bảng trong 5 năm tới, đồng thời cắt giảm một khoản thuế thu nhập khổng lồ, có thể lên tới 17 tỷ bảng. Đảng Bảo thủ đã cam kết xóa bỏ phần lớn kế hoạch tăng 1% thuế thu nhập bảo hiểm quốc gia mà Công đảng đề xuất – dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2011.
Cả ba đảng chính hiện vẫn tìm các phương hướng hành động khác nhau đối với khu vực ngân hàng, vốn bị đông đảo dư luận cho rằng đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. MacKinnon nói: "Việc trừng trị các ngân hàng có lẽ là một hoạt động dân túy khá tốt, nếu xét về mặt chính trị. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế thì ngược lại. Các biện pháp ngăn chặn tái tư bản hóa chỉ làm trì hoãn hoặc kìm chế sự tăng trưởng tín dụng ở mức độ có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế".
Hồng Hậu