Bất chấp những dữ liệu tiêu cực về thị trường lao động, doanh số bán lẻ và lĩnh vực nhà đất tại Mỹ trong thời gian gần đây, Tạp chí Nhà Kinh tế học của Anh vẫn cho rằng, không có khả năng thế giới quay trở lại tình trạng suy thoái. Để củng cố cho nhận định trên, các nhà phân tích hàng đầu thuộc ấn phẩm này đã đưa ra 5 nhân tố.
Sự hồi phục kinh tế toàn cầu đang bị mất đà và tăng trưởng sẽ chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm nay. Ảnh minh họa |
Tín hiệu lạc quan đầu tiên mà Tạp chí Nhà Kinh tế học viện dẫn là dữ liệu về kinh tế tại Đức và khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone khả quan hơn mong đợi. Các ngành chế tạo của Đức đều đã nhận đủ đơn đặt hàng. Thậm chí, một số ngành còn phải nỗ lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong khi gói ổn định tài chính 500 tỷ euro đã giúp giảm sức ép đối với các thị trường đang lâm vào cảnh nợ nần của khu vực đồng tiền chung.
Thứ hai, hầu hết các thị trường mới nổi đều đã vượt qua suy thoái mà không chịu thiệt hại quá nặng nề. Dù xuất khẩu của những nước này vẫn gặp khó khăn song các ngân hàng có đủ khả năng thanh khoản cũng như các hoạt động đầu tư, thương mại giữa chính các quốc gia mới nổi đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức tương đối.
Việc các nước không thắt chặt chính sách tài khóa ngay lập tức cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm nay. Theo giới phân tích thuộc Tạp chí Nhà Kinh tế học, chính quyền Mỹ hiện lo ngại về việc thắt chặt chính sách tài khóa quá sớm và cho rằng, cần củng cố tài khóa để đảm bảo niềm tin cho thị trường.
Các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha và Anh đang thắt chặt chính sách tài khóa một cách mạnh mẽ hơn, nhưng quy mô các nền kinh tế này không tác động lớn tới toàn cảnh nền kinh tế thế giới.
Một nhân tố khác cũng rất quan trọng là ngân hàng trung ương nhiều nước đã sẵn sàng duy trì lãi suất ở mức gần bằng 0% trong tương lai gần, cũng như sẵn sàng tiếp tục chính sách kích thích tiền tệ phi truyền thống nếu cần thiết.
Cuối cùng, Tạp chí Nhà Kinh tế học chỉ ra rằng, suy thoái chạm đáy hai lần rất hiếm khi xảy ra. Trong lịch sử kinh tế thế giới hiện đại, suy thoái kép chỉ mới xuất hiện duy nhất một lần tại Mỹ vào những năm 1980 và 1981.
Dù loại bỏ khả năng tái suy thoái nhưng giới phân tích vẫn cho rằng, sự hồi phục kinh tế toàn cầu đang bị mất đà và tăng trưởng sẽ chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm nay. Theo Tạp chí Nhà Kinh tế học, đây là quá trình không thể tránh khỏi khi những chính sách kích cầu cũng như việc tích luỹ đã đạt tới đỉnh điểm.
Kinh tế thế giới sẽ phải trải qua giai đoạn chuyển tiếp từ giai đoạn hồi phục ban đầu tới giai đoạn củng cố, theo đó tăng trưởng sẽ chậm hơn song vẫn tích cực với ngành dịch vụ đóng vai trò chủ đạo.
Vĩnh Thới