30 người đứng đầu nhà nước và chính phủ và khoảng 2.500 đại biểu, đại diện cho giới quản lý các tập đoàn và tổ chức kinh tế lớn, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, cùng nhiều giáo sư và nhà hoạt động văn hoá đã có mặt tại thành phố Davos, Thụy Sĩ trong ngày đầu tiên của Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 40.
Quang cảnh Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 40 |
Chương trình nghị sự của Hội nghị lần này chủ yếu sẽ là cuộc tranh luận làm thế nào để cải tổ hệ thống ngân hàng thế giới.
Diễn đàn năm nay mang tựa đề “Cải thiện tình trạng thế giới : Tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại”. Các ông chủ ngân hàng và những người điều chỉnh sẽ đi đầu trong mục tiêu tổ chức lại các định chế ngân hàng của thế giới.
Trong ngày đầu tiên của diễn đàn, chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, người nổi tiếng nhờ dự đoán được sự tan chảy của tài chính thế giới và cuộc suy thoái toàn cầu, đã nói với các đại biểu rằng, các kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ là một biện pháp để đảm bảo một tương lai ổn định. Trước đó, Tổng thống Obama thông báo các kế hoạch về thuế và hạn chế các ngân hàng lớn.
Các cuộc điều tra ngay trước thềm diễn đàn cho thấy, lòng tin về nền kinh tế toàn cầu đang tăng lên, tuy nhiên, bóng ma của định chế áp bức và sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế là đám mây đen lớn nhất đối với nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Mặc dù vậy, nhiều đại biểu cho biết, họ hoan nghênh động thái này.
Những chủ đề khác đáng chú ý khác cũng được thảo luận tại diễn đàn lần này là việc giải quyết hậu quả sự tàn phá của trận động đất vừa qua tại Haiti và kế hoạch hành động tương lai mang tính toàn cầu để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu sau khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch hồi tháng trước bị thất bại.
Hồng Anh