Nhiều người Iraq ngày càng cảm thấy lo sợ rằng, làn sóng đánh bom và giao tranh vừa qua sẽ làm tái diễn nạn bạo lực bè phái và sắc tộc từng tàn phá đất nước này cách đây vài năm. Mối lo đó càng gia tăng khi mà đã khá lâu từ sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 07/03, Iraq vẫn chưa có chính phủ mới.
Iraq đối mặt trước nguy cơ tái diễn bạo lực phe phái. Ảnh minh họa |
Tại thủ đô Baghdad và các thành phố khác, nhiều người quay lại thói quen thận trọng trước đây, tức là chỉ ra đường nếu thật sự cần thiết và tránh đến những nơi sầm uất, đông người. Người dân Iraq trở nên hoang mang trong bối cảnh đất nước lao đao do chưa có chính phủ mới và bị đe dọa tấn công nhiều hơn từ các tổ chức có dính dáng với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và binh lính Mỹ ngày càng vắng bóng.
Một người dân cho biết, nếu khoảng trống quyền lực kéo dài và xung đột vẫn tiếp diễn, thì điều tồi tệ nhất như dự đoán có thể sẽ xảy ra. Họ bắt đầu lo ngại sẽ có thêm các cuộc tấn công và tình hình an ninh rối ren sẽ đẩy Iraq vào một vòng xoáy bạo lực mới.
Trong một tuyên bố gần đây, nhóm al-Qaeda tại Iraq đã cảnh báo người Shi’ite về một làn sóng bạo lực mới sắp diễn ra. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, vẫn chưa tới thời điểm chín muồi cho một cuộc chiến sắc tộc tương tự như hồi năm 2006.
Thực tế, bạo lực có diễn ra nhưng chỉ lác đác và chưa tới mức độ tràn lan như những năm trước. Các nhóm dân quân như Đạo quân Medhi của Giáo sỹ cấp tiến Muqtadar al-Sadr, tuy phô trương sức mạnh, nhưng vẫn chưa cầm vũ khí. Tình trạng giao chiến giữa các vùng lân cận với nhau vẫn chưa xảy ra. Hơn nữa, nhiều người đã tỏ ra chán ngán bạo lực nên sẽ thận trọng và không mong muốn để đất nước quay trở lại bạo lực phe phái.
Theo số liệu của hãng thông tấn Mỹ AP, từ đầu năm đến nay, có tổng cộng 1.164 người Iraq thiệt mạng (trong khi cùng năm 2006, con số đó là 3.608 người).
Có điều chắc chắn rằng, người dân đang rất lo sợ vì đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ sau cuộc bầu cử ngày 07/03, Iraq vẫn chưa có chính phủ mới bởi vì không khối nào giành đủ đa số ghế tại Quốc hội. Kết quả là thế bế tắc chính trị đã làm dấy lên lo ngại về bạo lực. Cùng lúc đó, al-Qaeda quyết tâm lợi dụng bất kỳ căng thẳng sắc tộc nào ở Iraq.
Nhiều người Iraq không nhận xét tích cực về sự có mặt của binh lính Mỹ, song một số vẫn lo ngại về những khó khăn sẽ xảy ra sau khi quân Mỹ rút hoàn toàn vào cuối năm 2011. Cả hai phe sắc tộc chính hầu như đều không tin tưởng vào năng lực của quân đội và cảnh sát Iraq trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên, một quan chức Bộ Nội vụ Iraq tuyên bố rằng, lực lượng an ninh nước này đã triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực bạo lực sắc tộc tái diễn.
Quốc Trung