Cuộc bầu cử quốc hội Iraq hôm 7/3 được kỳ vọng sẽ đem lại một bước tiến mới đối với tiến trình hòa giải dân tộc và tiến bộ chính trị ở Iraq. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử toàn quốc thứ hai kể từ khi lực lượng do Mỹ lãnh đạo xâm chiếm và lật đổ chế độ Saddam Hussein vào năm 2003 cũng được xem là phép thử cho những nỗ lực cải thiện tình hình an ninh, chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Iraq cuối năm 2011. Tuy nhiên, kết quả lại đi ngược với hy vọng trước đó.

Ủy ban bầu cử ra lệnh đếm lại bằng tay các phiếu bầu tại thủ đô Baghdad

Ngày 19/4, một tòa án của Iraq đã ra lệnh kiểm lại hơn 2,5 triệu phiếu bầu tại Baghdad – một quyết định có thể làm thay đổi kết quả có lợi cho đương kim Thủ tướng Nouri al-Maliki và làm gia tăng tình trạng căng thẳng giữa các giáo phái sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi này.

Ủy ban Bầu cử Cao cấp Độc lập (IHEC) đã ra lệnh kiểm lại bằng tay phiếu bầu khu vực bầu cử ở thủ đô Baghdad trong một động thái bất ngờ có thể tác động đến người lãnh đạo đất nước. Quyết định này được đưa ra theo yêu cầu của Thủ tướng Nouri al-Maliki, người mà theo các kết quả sơ bộ, đã thua sít sao trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 7/3 trước đối thủ là cựu Thủ tướng Iyad Allawi.

Việc kiểm lại phiếu có thể dẫn đến số phiếu bầu nhiều hơn dành cho đương kim thủ tướng tại khu vực bầu cử ở thủ đô, cho phép ông Nouri al-Maliki cuối cùng lật ngược thế bại 89-91 của ông trên phạm vi cả nước trước Liên minh người Iraq (IL) thế tục của Cựu Thủ tướng Allawi.

Liên minh Nhà nước Pháp quyền của Thủ tướng al-Maliki chỉ giành được 89 ghế tại Quốc hội Iraq gồm 325 ghế, kém 2 ghế so với liên minh của Cựu Thủ tướng Ayad Allawi. Do vậy, không liên minh nào có thể chiếm đa số quá bán để tự đứng ra thành lập chính phủ mà không có sự ủng hộ của các đảng phái khác. Trong khi chờ đợi, ông al-Maliki tìm cách thay đổi kết quả bầu cử bằng cách khiếu kiện lên tòa án và tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri không thuộc phái Allawi.

Liên minh Nhà nước Pháp quyền của Thủ tướng al-Maliki tuyên bố, có gian lận trong cuộc bầu cử ngày 7/3 và yêu cầu kiểm phiếu lại tại 5 tỉnh, trong đó có Baghdad – khu vực chiếm gần 1/5 số ghế tại Quốc hội.

Hamdia al-Hussaini, thành viên của IHEC, cho biết công tác kiểm phiếu được thực hiện theo lệnh của một tòa án gồm 3 thành viên đang điều tra những khiếu nại liên quan đến bầu cử và sẽ do IHEC tiến hành.

Theo các kết quả sơ bộ, tổng số phiếu được kiểm tháng trước cho thấy, ông Maliki giành được 903.360 phiếu bầu ở Baghdad, so với 841.755 phiếu dành cho IL. Liên minh Dân tộc (INA), nhóm Shi’ite có ảnh hưởng lớn, giành được 561.659 phiếu bầu.

Quyết định kiểm lại phiếu bầu tại khu vực bầu cử Baghdad có thể kéo dài đáng kể thời gian bổ nhiệm các chức vụ trong chính phủ mới, làm tăng những nghi ngờ về sự ổn định của quốc gia này trong bối cảnh các phe cánh chính trị đang tranh giành quyền lực tối cao.

Trong cuộc họp báo ngày 19/4, Thủ tướng al-Maliki cho rằng, việc kiểm phiếu lại có thể làm thay đổi kết quả bầu cử. Ông khẳng định: "Tất cả chúng ta đều sẽ hành động theo đúng kết quả kiểm phiếu lại. Nhưng tôi có thể nói rằng, nhiều khả năng kết quả bầu cử sẽ thay đổi sau khi kiểm lại phiếu".

Lệnh trên được công bố đúng vào ngày thủ lĩnh có ảnh hưởng lớn của người Hồi giáo dòng Shi’ite, Ammar al-Hakim, nhận xét cả al-Maliki lẫn Allawi đều khó có thể thành công trên cương vị thủ tướng bởi theo quan điểm của ông, họ không hội đủ sự ủng hộ ở cả Iraq lẫn trên trường quốc tế.

Hội đồng Hồi giáo Tối cao Iraq của al-Hakim trực thuộc Liên minh Dân tộc Irắc (INA) – đảng về thứ ba trong cuộc bầu cử vừa qua với 70 ghế. Sự ủng hộ của INA có tính then chốt đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào trong việc thành lập chính phủ. Mặc dù ông al-Hakim thận trọng nói rằng, ông không phản đối ứng cử viên nào, song những phát biểu trên làm tăng thêm cảm giác rằng, tình trạng lục đục trong liên minh này có thể kéo dài thêm vài tháng nữa. Điều này có thể dẫn đến khoảng trống chính trị cũng như tạo cơ hội để các lực lượng dân quân tìm cách châm ngòi bạo lực trong bối cảnh hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ chuẩn bị rút khỏi Irắc vào cuối tháng 8.

THVL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *