Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama xem xét tăng thuế các loại và giảm phúc lợi an sinh xã hội nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách và nợ công đang ngày càng tăng ở nước này.
Ảnh minh họa |
Trong báo cáo ra ngày 08/07 về kinh tế Mỹ, IMF dự đoán, nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ tăng trưởng ở mức 3,3% trong năm nay, 2,9% trong năm 2011 và sẽ không vượt quá 3% trong 5 năm tới.
Phó Giám đốc IMF khu vực Tây Bán cầu, ông David Robinson, cho rằng dự đoán của IMF về phát triển trung hạn của kinh tế Mỹ không sáng sủa như dự đoán của chính quyền của Tổng thống Obama nên IMF thấy Mỹ cần tiến hành thêm nhiều biện pháp tài chính nữa.
Chính quyền của ông Obama cam kết giảm thâm hụt ngân sách 50% vào năm 2013 và bình ổn nợ công ở mức 70% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2015. Trong khi đó, IMF dự đoán, các chính sách hiện nay của chính quyền Mỹ sẽ làm tăng mức nợ công lên 95% GDP vào năm 2020 và vượt 135% trong 10 năm kế tiếp.
IMF cũng đề nghị chính quyền Mỹ giảm thâm hụt ngân sách khoảng 8% GDP vào năm 2015, cao hơn 3% so với kế hoạch của chính quyền.
Báo cáo của IMF cho rằng, Washington cũng cần tiến hành các biện pháp khác để giảm thêm 350 tỷ USD chi ngân sách như chấm dứt việc giảm lãi suất đối với các khoản vay thế chấp của người dân và giảm phúc lợi an sinh xã hội, đồng thời với việc tăng thuế nhiên liệu hoặc áp dụng thuế tiêu thụ quốc gia.
IMF cảnh báo sự phục hồi của ngành ngân hàng Mỹ trong thời gian vừa qua có thể không chắc chắn bởi nguy cơ nhiều doanh nghiệp nhỏ và trung bình không trả được hàng ngàn tỷ USD tiền vay nợ ngân hàng để xây dựng văn phòng và các tòa nhà thương mại.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Obama đã lên tiếng bảo vệ cách điều hành nền kinh tế, khẳng định các chính sách của ông sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng việc làm. Tổng thống Obama đưa ra phát biểu nói trên tại một nhà máy sản xuất xe điện ở thành phố Kansas trong chuyến thăm hai ngày nhằm vận động cho các ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 tới.
Hiện, ông Obama đang cố gắng thuyết phục người dân Mỹ rằng, các chính sách kinh tế của ông thực tế đang phát huy tác dụng và sự cải thiện cần phải có thời gian, sau khi ông bị chỉ trích mạnh mẽ vì các chương trình ứng cứu liên quan đến ngành công nghiệp xe hơi và ngân hàng cũng như hiệu quả gói kích thích kinh tế khổng lồ, trị giá 787 tỷ USD, gây nhiều tranh cãi. Ngoài ra, người đứng đầu Nhà Trắng còn đang phải chịu nhiều áp lực trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức 9,5% như hiện nay.
Theo các thăm dò mới nhất, hiện tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ ông Obama chỉ còn 45%, mức thấp kỷ lục kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 01/2009.
Anh Dũng