Gần đây, giới quan chức và học giả Đông Á đã bắt đầu hoạch định những biện pháp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng trên khắp khu vực. Tại Hội nghị quốc tế về tăng cường thương mại Đông Á kéo dài 4 ngày tại tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc, đại diện nước chủ nhà đã đề xuất nhanh chóng khởi động đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Đông Á (gọi tắt là EAFTA).

Ảnh minh họa

 

Cách đây hơn 1 năm, Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc – ASEAN (gọi tắt là CAFTA) đã có hiệu lực và đến nay, thỏa thuận này đã mang lại nhiều lợi ích cho thị trường, gồm đến 1,9 tỷ dân của hai phía. Trước thành quả đó, nhu cầu hướng tới Hiệp định Thương mại Tự do Đông Á – EAFTA, tức thúc đẩy hội nhập kinh tế rộng hơn, càng trở nên cấp thiết. 

Ý tưởng về Hiệp định EAFTA khởi nguồn từ giới học giả và được xem như nhân tố tất yếu giúp làm giảm sự phụ thuộc mậu dịch của khu vực này vào các đối tác Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. EAFTA không chỉ bao gồm 10 thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á – ASEAN mà còn có ba nền kinh tế chủ chốt ở Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Với gần 22% dân số toàn cầu, ba quốc gia này nắm giữ tới 47% tổng dự trữ ngoại tệ của thế giới và đóng góp khoảng 20% sản lượng công nghiệp toàn cầu. Do mỗi nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã ký Hiệp định Thương mại Tự do FTA song phương với ASEAN, nên câu hỏi được đặt ra hiện nay là khi nào và làm thế nào để mở ra tiến trình đàm phán về EAFTA một lần nữa.

Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB cho rằng, rất nhiều người đã nhận ra ý nghĩa quan trọng của EAFTA đối với sự phát triển của ASEAN, do ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nền kinh tế mạnh trong khu vực. Năm ngoái, Trung Quốc và Hàn Quốc đã hoàn tất cuộc nghiên cứu chung về tính khả thi của FTA song phương. Trong khi đó, quá trình nghiên cứu tương tự đối với FTA của 3 bên gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã được khởi động. Về phần mình, ASEAN cũng đã bắt đầu xem xét tính khả thi của EAFTA và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, quốc gia này có điều kiện tốt để mở ra các cuộc đối thoại về EAFTA trong bối cảnh hợp tác song phương và quan hệ thương mại giữa ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng phát triển. Tại Hội nghị An Huy, đại diện chính quyền Bắc Kinh nhận định, đây sẽ là cơ hội quý báu để tiến tới xây dựng EAFTA và các cuộc đàm phán liên quan có thể sẽ được khởi động chậm nhất vào năm tới. Theo ước tính, EAFTA sẽ giúp nâng tổng sản phẩm quốc nội GDP của ASEAN thêm 3,6% mỗi năm, trong khi mức tăng trưởng tương ứng của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào khoảng 0,9% mỗi năm.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia thừa nhận rằng, EAFTA cũng phải đối mặt với một số thách thức trước mắt như sự chồng chéo giữa các thỏa thuận FTA hiện có, sự khác biệt trong quy định hải quan và danh mục hàng hóa được cho là “nhạy cảm” giữa các nước.

Vĩnh Thới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *