(THVL) Chủ tịch Ngân hàng Thế giới kêu gọi hình thành hệ thống tiêu chuẩn vàng
15/11/2010Với những tranh cãi tiền tệ nóng bỏng trong thời gian gần đây, hệ thống tiền tệ thế giới đang dần bộc lộ những vấn đề nội tại. Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc không để đồng nhân dân tệ tăng giá nhanh hơn, trong khi Trung Quốc cho rằng, nguồn gốc của sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức của Mỹ.
![]() |
Trong bài viết cho tờ Financial Times của Anh vào đầu tuần qua, Chủ tịch Ngân hàng thế giới WB Robert Zoellick đã đề xuất nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 khôi phục chế độ bản vị vàng, chế độ tiền tệ mà phương tiện tính toán kinh tế tiêu chuẩn được ấn định bằng hàm lượng vàng. Liệu việc này có giúp tránh xuất hiện tình trạng tranh chấp tỷ giá giữa các nước?
Chủ tịch WB Robert Zoellick cho rằng, nên kết thúc việc lấy đô la Mỹ làm mỏ neo cho tiền tệ của các nước. Theo ông, việc áp dụng chế độ bản vị vàng sẽ góp phần trang bị lại nền kinh tế thế giới trong thời điểm căng thẳng tỷ giá và chính sách tiền tệ của Mỹ.
Cũng theo ông Zoellick, thế giới cần có cách thức quản lý mới nhằm đạt được thành công của cái mà ông gọi là hệ thống “Bretton Woods II”. Hệ thống này sẽ dùng vàng làm yếu tố tham chiếu kỳ vọng của thị trường đối với lạm phát, giảm phát, giá trị tiền tệ tương lai, và có thể sẽ liên quan chủ yếu đến đồng đô la Mỹ, đồng euro, yên Nhật, bảng Anh và nhân dân tệ để tiến đến quốc tế hóa và sau đó là một cán cân vãng lai mở.
Quan điểm của Chủ tịch Ngân hàng thế giới WB chứng tỏ có những lo ngại không nhỏ với hệ thống tiền tệ quốc tế khi Mỹ và các nước khác đổ lỗi cho Trung Quốc kìm giữ nhân dân tệ không đúng giá trị thực của nó, gây ra mất cân đối thương mại và bất ổn trên thị trường vốn.
Chủ tịch WB cho rằng, các nền kinh tế lớn nên xem xét thay đổi và áp dụng lại chuẩn mực vàng toàn cầu nhằm điều chỉnh biến động giá trị tiền tệ.
Mặc dù đã có những lời kêu gọi sử dụng lại vàng để neo giá trị tiền tệ, nhưng phần lớn các nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế các nước cho rằng, sáng kiến này có thể sẽ dẫn đến sự thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức. Tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp theo đó có thể phải gánh chịu những cú sốc kinh tế.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, điều quan trọng đối với các quốc gia hiện nay là phải nhìn xa hơn về vấn đề tỷ giá hối đoái và tập trung nhiều hơn vào nền tảng kinh tế của mình.
Thanh Sang (tổng hợp)