Theo mạng tin "Time" của Mỹ, sau nhiều ngày, các sân bay trên thế giới, đặc biệt là tại Châu Âu, vắng bóng người và bầu trời yên tĩnh do tro bụi núi lửa ở Iceland. Đến nay, hoạt động hàng không đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, tác động của lệnh cấm bay vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành giao thông hàng không cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác tại nhiều nước trên thế giới.
Tro bụi núi lửa ở Ireland đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành giao thông hàng không cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác |
Khi những đám mây tro bụi phát ra từ núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland, thủ phạm khiến các hãng hàng không châu Âu phải ngừng hoạt động, đã bắt đầu tan thì những thiệt hại về tài chính mà nó gây ra cũng trở nên rõ hơn. Trong một tuyên bố, TUI Travel – hãng điều hành du lịch lớn nhất châu Âu – cho biết, đến nay, hãng đã thiệt hại khoảng 30 triệu USD. Với khoảng 100.000 hành khách của hãng mắc kẹt ở nước ngoài, cứ mỗi ngày thiệt hại của hãng lại tăng thêm 9 triệu USD.
Trong khi đó, tập đoàn công nghiệp ACI Europe cho biết, các sân bay châu Âu thiệt hại khoảng 183 triệu USD, trong khi các hãng hàng không thế giới ước tính tổng cộng mỗi ngày chịu mức thiệt hại nhiều hơn con số trên.
Tình trạng rối loạn trong ngành vận tải hàng không cùng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến đây là thời điểm bất lợi trong kinh doanh du lịch. Theo nhận định của giới phân tích, tình hình sẽ tác động ngày một nghiêm trọng tới cộng đồng kinh doanh và nền kinh tế. Từ châu Âu tới châu Á, mức tăng trưởng trong quý II có thể cảm nhận sự tác động này chỉ trong vài ngày nữa.
Cho dù hoạt động hàng không ở các nước đã hoạt động trở lại bình thương nhưng nền kinh tế châu Âu không thể thoát khỏi những ảnh hưởng xấu. Chẳng hạn như hoạt động thương mại trong khu vực sẽ bị cản trở bởi tro bụi. Hoạt động của thương mại thế giới được thực hiện bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường biển nhiều hơn là bằng đường hàng không. Song, theo các nhà kinh tế, sự gián đoạn đường hàng không là mối nguy hiểm tiềm tàng.
Sự cố vừa qua đã tác động đến lĩnh vực buôn bán thực phẩm và hoa ở miền Nam Tây Ban Nha – nơi xuất khẩu phần lớn sản phẩm sang Bắc Âu vào thời điểm này trong năm. Các hãng điện tử và công nghiệp dược phẩm ở châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào các chuyến không vận kịp thời, cũng phải tìm kiếm các tuyến chuyên chở mới.
Theo giới phân tích, lệnh cấm bay trong 4-5 ngày sẽ không cắt ngay lập tức nguồn cung hàng hóa song tác động của vụ việc kiểu như thế này thường được thấy rõ trong những giai đoạn tiếp theo.
Các hãng hàng không thế giới đang đứng trước tương lai đầy cam go với việc ngành hàng không có nguy cơ thua lỗ 2,8 tỷ USD trong năm nay, hơn 60.000 chuyến bay bị hủy đúng vào thời điểm tệ hại nhất. Ngày 19/4, Hãng British Airways của Anh vốn chật vật bởi cuộc đình công tốn kém của các nhân viên phi hành đoàn hồi tháng trước, đã yêu cầu chính phủ Anh và EU bồi thường cho họ. Trong khi đó, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế Giovanni Bisignani đã chỉ trích mạnh mẽ cách xử lý việc hạn chế bay của châu Âu.
Thanh Tâm