Bình luận về chuyến thăm Australia của Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono, từ ngày 9 đến 11/3, tờ "Người đưa tin Sydney buổi sáng" ngày 11/3 đánh giá, chuyến thăm này có ý nghĩa bước ngoặt, nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, với việc hai bên nhất trí tổ chức các hội nghị thường niên ở cấp ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng theo mô hình 2+2, giống như với đối tác thân cận nhất của hai nước là Mỹ.

Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono

Trong bài phát biểu đầu tiên của một nhà lãnh đạo Indonesia tại Quốc hội, Australia được đánh giá là hết sức thẳng thắn và có ý nghĩa lịch sử, Tổng thống Yudhoyono cho rằng, quan hệ hai nước đã trải qua một thời gian dài kể từ khi rơi xuống điểm thấp nhất vào cuối những năm 1990 khi xảy ra cuộc khủng hoảng Đông Timor. Ông cho rằng quan hệ đối tác giữa hai nước hiện đang gặp bốn thách thức lớn.

Thách thức thứ nhất là làm sao để hai nước thay đổi cách suy nghĩ về nhau. Tổng thống Yudhoyono kêu gọi người dân hai nước nên từ bỏ lối tư duy rập khuôn tiêu cực về nhau trong bối cảnh quan hệ song phương đang phát triển.

Thách thức thứ hai là cách thức quản lý mối quan hệ đang ngày càng trở nên phức tạp khi hai nước trở nên gần gũi hơn và đẩy nhanh tốc độ hợp tác.

Thách thức thứ ba là làm thế nào để thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước. Indonesia, một thị trường lớn với 230 triệu dân, là một trong những nền kinh tế mới nổi của thế giới và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng cao thứ ba trong nhóm các nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và dồi dào tài nguyên thiên nhiên.

Trong khi đó, Australia là một nước phát triển, nền kinh tế lớn thứ 18 thế giới và là một trong những nền kinh tế năng động, có sức cạnh tranh cao nhất trên thế giới. Mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều giữa Indonesia và Australia đạt 6,7 tỷ USD năm 2009, tăng 18% trong 5 năm qua, nhưng vẫn tăng trưởng chậm hơn rất nhiều so với quan hệ thương mại của Australia với ASEAN nói chung. Ông Yudhoyono cho rằng, hai nước cần khuyến khích sự hợp tác trong lĩnh vực tư nhân.

Thách thức thứ tư là cách thức giải quyết các vấn đề khủng bố, sóng thần, buôn người và tội phạm ma túy.

Tổng thống Yudhoyono mong muốn Australia thiết lập mối quan hệ hiện đại với một đất nước Indonesia "mới" và hai nước cần cùng nhau giải quyết các tồn tại. Ông đã chứng tỏ sự nghiêm túc trong vấn đề này qua tuyên bố trước Quốc hội Australia rằng, Indonesia sẽ hình sự hóa tội buôn người với hình phạt tối đa lên đến 5 năm tù giam. Ông cũng ký thỏa thuận hợp tác với Australia trong việc ngăn chặn nạn buôn người. Ông Yudhoyono đã chứng tỏ quyết tâm của Indonesia trong cuộc chiến chống khủng bố trong những năm qua với việc tuyên bố một trong những thủ phạm đánh bom ở Bali là Dulmatin đã bị cảnh sát Indonesia tiêu diệt.

Về phía Australia, ông Yudhoyono có một nguyện vọng mạnh mẽ rằng, nước này sẽ "hiểu biết và đánh giá cao" thành công của tiến trình hòa bình và hoà giải tại các tỉnh Aceh và Papua.

Về sáng kiến thúc đẩy thành lập Cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương APC của Thủ tướng Australia Kevin Rudd nhằm tạo ra một cơ cấu khu vực có khả năng giải quyết hữu hiệu các thách thức lớn hơn, ông Yudhoyono ngụ ý Indonesia không chắc sẽ ủng hộ ý tưởng này vì Indonesia coi việc củng cố khối ASEAN hiện nay là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Mặc dù không loại trừ sự ủng hộ đối với APC nhưng ông Yudhoyono cho rằng, vấn đề này nên để các ngoại trưởng của hai nước giải quyết. Theo ông, các mục tiêu của ông Rudd có thể thực hiện với việc mở rộng những mối liên kết với 10 nước thành viên ASEAN, hiện đã có cơ chế ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), đồng thời là cốt lõi của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, và cho rằng, có thể bổ sung thêm Mỹ và Nga vào tiến trình đối thoại này.

Thu Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *