Chính phủ Hy Lạp hôm 11/6 đã tuyên bố đóng cửa đài phát thanh truyền hình nhà nước ERT, nhằm cắt giảm chi tiêu, một phần trong chính sách thắt lưng buộc bụng và cải cách mà các chủ nợ quốc tế yêu cầu Athens thực hiện để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công. Quyết định này của chính phủ Hy Lạp đã gây chấn động giới truyền thông trong nước và quốc tế, tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội trong nước và một lần nữa cho thấy bi kịch về chính sách thắt lưng buộc bụng tại ‘xứ sở thần thoại’ vẫn chưa dừng.

Các nhân viên ERT biểu tình bên ngoài văn phòng làm việc.

Chỉ vài giờ đồng hồ sau khi quyết định trên, ERT đã ngưng phát sóng. Hàng ngàn người đã tập hợp bên ngoài trụ sở của đài truyền hình này ở thủ đô Athens để bày tỏ sự phản đối.

Việc đóng cửa ERT ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 2.600 nhân viên đang làm việc tại đây. Trong hơn 3 năm Hy Lạp thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng, nước này đã cắt giảm gần 1 triệu việc làm trong lĩnh vực tư nhân và đây là đợt cắt giảm nhân viên trực tiếp đầu tiên ở khu vực công.

Các chuyên gia đánh giá việc đóng cửa đài phát thanh truyền hình nhà nước là một trong những biện pháp quyết liệt nhất của chính phủ Hy Lạp nhằm giúp nước này khỏi nguy cơ vỡ nợ và đáp ứng các điều kiện trong gói cứu trợ tài chính mà các chủ nợ quốc tế đưa ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quyết định gây sốc này của Athens cũng sẽ chẳng giúp ích gì cho nền kinh tế đất nước khi mà các chính sách thắt lưng buộc bụng trước đó đã không phát huy tác dụng.

Thực tế cho thấy, kể từ khi Hy Lạp áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng một cách triệt để để đổi lấy gói hỗ trợ tài chính đầu tiên trị giá 110 tỷ euro của Liên minh châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế năm 2010, thì nền kinh tế nước này liên tục xuống dốc và hiện đang bước vào năm thứ 6 suy thoái liên tiếp. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 6,5% trong năm 2012, sức mua của người dân đã sụt đến 45% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục 26,8%.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng quyết định này là một đòn mạnh giáng vào nền dân chủ. Một bộ phận người biểu tình cho biết đây là điều không thể chấp nhận được, khi mà một đất nước dân chủ lại không có một đài truyền hình công.

Liên minh phát thanh và truyền hình Châu Âu cũng lên tiếng thúc giục Chính phủ Hy Lạp thu hồi quyết định gây chấn động trên khi cho rằng, nó làm ảnh hưởng tới sự độc lập của truyền thông.

Với một Chính phủ Hy Lạp đang bị dồn ép bởi các chủ nợ quốc tế và phải làm mọi việc để tránh nguy cơ sụp đổ nền kinh tế đất nước, việc áp dụng thêm những biện pháp thắt chặt chi tiêu là một việc làm bất đắc dĩ. Tuy nhiên, những chính sách khắc khổ đã liên tiếp dội khó khăn xuống đầu người dân, khiến cuộc sống ở Hy Lạp giờ đây trở nên cực kỳ khó khăn.

Hải Bằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *