10 năm sau khi chính thức nộp đơn xin gia nhập Liên minh Châu Âu (EU), cuối cùng Croatia cũng trở thành thành viên thứ 28 của khối này từ ngày 1/7 tới đây. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây là niềm vui không trọn vẹn của cả Croatia lẫn EU. Bởi, trong bối cảnh các nước EU vẫn đang chìm trong nợ nần và khủng hoảng kinh tế, còn Croatia thì vừa trải qua 4 năm tăng trưởng âm, không ít người lo ngại rằng Zagreb sẽ trở thành gánh nặng nợ mới cho ngân sách của khối.

Ảnh minh họa

Từ hơn một tuần nay, trên mặt tiền trụ sở cao 14 tầng của Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels, Bỉ, đã xuất hiện tấm biểu ngữ lớn "Chào mừng Croatia". Tuy nhiên, phía sau lời chào mừng trên là một loạt những quan ngại về các khó khăn trước mắt. Bởi, theo giới phân tích, Croatia gia nhập ngôi nhà chung EU vào một thời điểm “không thể nào xấu hơn”.

Kinh tế EU nói chung và 17 nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói riêng đang suy thoái trầm trọng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP của Eurozone trong ba tháng đầu năm 2013 đã giảm 0,2% và đây là quý suy thoái thứ sáu liên tiếp. Trong bối cảnh đó, Croatia bước vào Liên minh Châu Âu với không ít sự nghi ngại của các nước thành viên cũ.

Cuối tháng 5/2013, EC cảnh báo, thiết chế này có thể tiến hành các thủ tục kỷ luật Zagreb với lý do nước này có mức thâm hụt ngân sách vượt quá trần quy định của EU. Ngoài ra, tuy nợ công của Croatia hiện chỉ mới tương đương 54% GDP, nhưng theo EC, con số này sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng giới hạn 60% vào năm 2014. Năm nay, chính phủ Croatia đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng 0,7% sau 4 năm suy thoái. Tuy nhiên, EC dự báo nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục suy giảm 0,1% với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 18%.

Do các nước trong EU có tính liên kết cao nên bất kỳ một mắt xích yếu nào cũng làm ảnh hưởng kinh tế cả khu vực. Vì thế, những quan ngại của EC và các thành viên khác trong EU về sự gia nhập của Croatia cũng là điều dễ hiểu.

Hiện nay, dư luận đang ngày càng hoài nghi về hiệu quả của tiến trình mở rộng EU cũng như khả năng hội nhập của các thành viên mới. Sau khi được kết nạp vào năm 2007, hai thành viên nghèo nhất EU là Bungari và Rumani đến nay vẫn bị đánh giá là đang tụt lại so với các nước trong khu vực. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, số phận của thành viên thứ 28 là Croatia cũng sẽ không sáng sủa hơn Bungari và Rumani. Do vậy, theo giới phân tích, nếu không vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, EU sẽ ngày càng đánh mất sức thu hút đối với các nước còn lại ở Châu Âu. Trong bối cảnh đó, cũng như Croatia, các nước thành viên tiếp theo của EU sẽ bước vào liên minh này với niềm vui không trọn vẹn.

Tuấn An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *