Các quốc gia đang phát triển cần được tài trợ 1 ngàn tỷ đô-la Mỹ mỗi năm để cắt giảm khí thải, tăng cường khả năng phục hồi, đối phó với những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo do Ai Cập và Anh thực hiện.
Ảnh minh họa
Báo cáo được công bố trước thềm cuộc thảo luận về vấn đề tài chính khí hậu tại Hội nghị lần thứ 27 Các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vào ngày mai.
Báo cáo cho biết các nước đang phát triển cần 2.400 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng như đối phó với những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Trong đó, 1.400 tỷ đô-la đến từ các nguồn quỹ công và tư nhân trong nước; 1.000 tỷ đô-la còn lại do các nước giàu, các nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng đa phương tài trợ.
Cũng tại COP27, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 07/11 tuyên bố nước này sẽ tăng mức đóng góp hàng năm cho tài chính khí hậu của các nước đang phát triển lên mức 1,8 tỷ euro vào năm 2025, cao hơn khoảng 50% so với mức năm 2021.
Cũng trong ngày 07/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ nước này sẽ đóng góp 170 triệu euro vào quỹ “Lá chắn toàn cầu” để hỗ trợ 58 quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu nhằm tăng nguồn tài chính bảo hiểm và phòng chống thiên tai. Trong khi đó, Bỉ cam kết tài trợ 2,5 triệu euro để khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu./.
Bảo Ngọc