“Người bán phải trả tiền cho người mua” – nghịch lý này đã xuất hiện trên thị trường khí đốt của Hà Lan khi giá khí đốt giao ngay tại trung tâm giao dịch TTF có lúc giảm xuống mức âm trong phiên giao dịch ngày 24/10. Nếu như trước đây, các nước châu Âu thiếu khí đốt do nguồn cung từ Nga bị gián đoạn thì hiện tại, việc thời tiết bất ngờ ấm lên và lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu dư thừa đang dẫn đến khả năng cung vượt cầu trong ngắn hạn.
Ảnh minh họa
Giá khí đốt tại châu Âu đã giảm 20% trong 1 tuần lễ qua, và giảm hơn 70% kể từ khi lập đỉnh ở mức 340 euro/ megawatt giờ hồi cuối tháng 8 năm nay. Giá khí đốt đảo chiều đi xuống một phần là do thời tiết ấm áp đang khiến nhu cầu sưởi ấm của người dân châu Âu giảm.
Ông Massimo Di Odoardo – Công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie (Anh): “Tại Italia, Tây Ban Nha và Pháp, nhiệt độ và nhu cầu tiêu thụ khí đốt hiện nay vẫn gần với mức của tháng 8 và đầu tháng 9. Ngay cả ở Anh, Đức và các quốc gia Bắc Âu, nhu cầu tiêu thụ khí đốt đang thấp hơn so với mức trung bình hằng năm.”
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Hạ tầng khí đốt châu Âu, các nước hiện đã lấp đầy gần 95% kho dự trữ khí đốt, vượt mục tiêu 80% mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra trước tháng 11 năm nay. Trong khi đó, tình trạng ùn tắc tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang diễn ra tại nhiều cảng biển ở châu Âu. Tây Ban Nha hiện là quốc gia có cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất châu Âu, chiếm 44% tổng sức chứa của cả châu lục. Song, chỉ 6 tàu trong số hơn 35 tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang neo đậu ngoài khơi nước này được cập cảng trong tuần qua do khả năng tiếp nhận hạn chế. Điều đó khiến nhiều tàu không thể quay về vận chuyển lô hàng tiếp theo, dẫn đến lượng hàng tồn tăng, tạo thêm sức ép giảm giá khí đốt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá khí đốt tại châu Âu chỉ giảm trong ngắn hạn và có thể tăng mạnh trở lại vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau khi thời tiết lạnh hơn, làm tăng nhu cầu sưởi ấm. Nguồn cung từ Nga vốn chiếm 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu hiện đã giảm mạnh còn 9%. Chính vì vậy, châu Âu được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn về nhập khẩu khí đốt trong năm sau.
Ông James Waddell – Công ty nghiên cứu thị trường Energy Aspects (Anh) cho biết: “Thách thức của châu Âu là làm thế nào để có đủ lượng khí đốt vào mùa Đông tiếp theo. Châu Âu có khả năng mất từ 45-50 tỷ mét khối khí đốt từ Nga, và khó có thể bù đắp được khoảng thiếu hụt này”./.
Thảo Nguyên