Cách đây 30 năm, vào ngày 01/01/1995, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chính thức đi vào hoạt động với sứ mệnh định hình lại thương mại toàn cầu, thúc đẩy mở rộng giao thương quốc tế.
Ngày nay, cùng với những thành quả đã đạt được thì WTO đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.
Kể từ khi ra đời cách đây 30 năm theo Tuyên bố Marrakesh được ký kết tại thành phố cùng tên của Ma-rốc, với vai trò trung tâm trong xây dựng, điều phối các quy tắc thương mại quốc tế, WTO đã góp phần quan trọng trong nhiều thành tựu của nền thương mại thế giới. Thương mại quốc tế tăng gấp hơn 6 lần, từ 4.300 tỷ đô la Mỹ năm 1994 lên hơn 27.000 tỷ đô la vào năm 2023. Tỷ lệ thương mại so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên toàn cầu cũng tăng từ 19,9% lên 29,9%. Giao thương thông suốt giúp nhiều hàng hóa từ các nước thu nhập thấp và trung bình được xuất khẩu nhiều hơn; và điều đó góp phần đáng kể trong sứ mệnh giảm đói nghèo trên toàn cầu.
Hiện nay, WTO và các quy tắc thương mại quốc tế của tổ chức này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia tận dụng các cơ hội mới cho tăng trưởng thương mại, khai thác thương mại để giải quyết các thách thức toàn cầu và giảm căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới, WTO cũng đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Sự hợp tác ngày nay được cho là lỏng lẻo hơn nhiều so với thời điểm thông qua Tuyên bố Marrakesh về thành lập WTO. Tâm lý hào hứng đối với các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mang tính đột phá dường như đã nhường chỗ cho chủ nghĩa bảo hộ. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, đã đưa các tranh chấp vượt khỏi phạm vi WTO và làm suy yếu vai trò trung gian của tổ chức này. Hệ thống giải quyết tranh chấp bị đình trệ từ năm 2019 do Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán mới, khiến nhiều vụ việc không thể giải quyết triệt để.
Theo các chuyên gia, vai trò của WTO sẽ dần mai một, nếu tổ chức này không thay đổi cơ chế vận hành và cải cách _ mà trong đó, đối thoại chính sách nhằm xây dựng một bộ nguyên tắc có tính thích ứng cao là điều cấp thiết. Ngoài ra, một hệ thống thương mại đa phương minh bạch, bao trùm, công bằng và cởi mở chỉ hình thành khi nào mối quan tâm từ tất cả thành viên WTO thuộc các nước phát triển, mới nổi và đang phát triển đều được lắng nghe trong quá trình đối thoại này.

Phúc Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *