Sau vài tháng chuyển tiếp từ El Nino, hiện tượng khí hậu La Nina đã bắt đầu từ tháng 01 năm nay và được kỳ vọng sẽ làm cho thời tiết toàn cầu trở nên dịu mát hơn. Tuy nhiên, dữ liệu mới được các nhà khoa học châu Âu công bố cho thấy tháng 01 vừa qua vẫn là tháng 01 ấm nhất từng được ghi nhận. Vì sao La Nina chưa mang đến tác động như kỳ vọng? Sau đây là lý giải của giới khoa học.
Theo các dữ liệu mới, tháng 01/2025 đã trở thành tháng 01 nóng nhất lịch sử khi có nhiệt độ trung bình cao hơn 0,09 độ C so với cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn 1,75 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nhà khoa học Richard Allan làm việc tại Đại học Reading của Anh cho rằng, tác động của La Nina chưa được thể hiện rõ khi hiện tượng này chỉ mới bắt đầu và đây lại là một chu kỳ La Nina yếu, theo các dữ liệu từ đầu năm nay.
Vì sao La Nina chưa làm dịu nhiệt độ toàn cầu như kỳ vọng?
Ông Richard Allan – Nhà khoa học khí hậu, Đại học Reading (Anh) cho biết:
“Các nhà khoa học khá ngạc nhiên trước chu kỳ El Nino, La Nina này, bởi mức nhiệt cũng đã cao trước khi El Nino bắt đầu vào năm 2023. Việc chuyển sang La Nina thông thường sẽ làm giảm nhẹ nhiệt độ. Nhưng đây là lần La Nina khá yếu, rất khó thấy được tác động.”
Theo các nhà khoa học, El Nino và La Nina là các hiện tượng tự nhiên, với tác động trái ngược, làm ấm hay làm mát tạm thời vùng biển trung tâm Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hiện nay El Nino và La Nina xảy ra khi Trái đất ngày càng ấm hơn do nồng độ khí nhà kính gia tăng.
Sự tích tụ khí nhà kính hiện là yếu tố chính ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu. Tác động từ biến đổi khí hậu do khí nhà kính thậm chí còn đang vượt qua tác động của chu kỳ tự nhiên El Nino – La Nina.
Mới đây, Cơ quan Khí tượng Anh cho biết, nồng độ khí CO2 trong khí quyển Trái đất vào năm 2024 đã tăng với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh nồng độ này tiếp tục gia tăng, La Nina được cho là đang có sự khởi đầu chậm chạp.
Tuấn An