Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày kết thúc vào đêm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19, đánh dấu khởi đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Quyết định của FED tác động như thế nào đối với nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ, mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung sau.
Với việc cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, FED đã đưa lãi suất cơ bản xuống phạm vi 4,75% – 5%. Theo giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách của FED đưa ra quyết định trên trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ đang hạ nhiệt một cách ổn định, song có những lo ngại về sức khỏe của thị trường lao động.
“Quyết định trên cho thấy FED đang thực hiện nhiệm vụ kép, đó là tăng tỷ lệ việc làm cùng với ổn định giá cả. FED phải đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát cân bằng.”
Giới chuyên gia nhận định việc FED cắt giảm lãi suất sẽ giúp giảm bớt áp lực tài chính mà người tiêu dùng Mỹ đã phải gánh chịu trong những năm qua do lạm phát.
Quyết định của FED, cơ quan đóng vai trò là ngân hàng trung ương của nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể mở đường cho nhiều ngân hàng khác nối bước.
Sáng nay, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông ở Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đã cắt giảm lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm xuống còn 5,25%. Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan này cắt giảm lãi suất sau 4 năm. Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ chuẩn bị cho bất kỳ tác động tiềm tàng nào đối với thị trường và nền kinh tế nước này sau quyết định của FED.
Một loạt ngân hàng trung ương ở vùng Vịnh cũng có động thái tương tự. Các ngân hàng trung ương Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Bahrain đều hạ 0,5 điểm phần trăm lãi suất chủ chốt, trong khi Ngân hàng trung ương Qatar cắt giảm 0,55 điểm phần trăm. Lâu nay, các ngân hàng trung ương ở vùng Vịnh có xu hướng hành động theo các quyết định của FED do hầu hết các đồng tiền trong khu vực có tỷ giá neo theo đồng đô-la Mỹ.
Minh Thanh