Vào ngày 05/11 theo giờ địa phương, khoảng 240 triệu cử tri đủ điều kiện trên khắp nước Mỹ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, cục diện bầu cử hiện đang phụ thuộc rất lớn vào 7 bang được gọi là bang “chiến trường”. Theo các chuyên gia, việc ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris hoặc ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành ưu thế tại các bang này có thể sẽ mang đến chiến thắng cho họ.
Tại Mỹ, kết quả bầu tổng thống không dựa vào số phiếu phổ thông mà căn cứ vào phiếu đại cử tri được phân bổ cho các bang. Ứng viên nào giành được nhiều phiếu phổ thông hơn tại một bang sẽ giành được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Ứng viên giành được ít nhất 270 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri trên toàn quốc sẽ đắc cử.
Hiện tại, hầu hết các bang ở Mỹ gần như đã xác định chắc chắn bầu cho ứng viên của đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa. Trong khi đó, tại 7 bang gồm Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Georgia, Bắc Carolina, Nevada và Arizona, ý kiến cử tri còn dao động và những bang này được gọi là bang chiến trường. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump rất sít sao và rất khó đoán định tại các bang này.
“Sự dao động của các bang chiến trường là lý do khiến các ứng viên dồn rất nhiều tiền và thời gian cho chiến dịch tranh cử tại những bang này. Việc giành phiếu đại cử tri tại các bang chiến trường có thể giúp họ chiến thắng.”
Các bang chiến trường không cố định qua các cuộc bầu cử. Có nhiều yếu tố có thể biến một bang bình thường thành bang chiến trường hoặc ngược lại. Chẳng hạn, sự phân cực chính trị gia tăng sẽ làm xuất hiện nhiều bang chiến trường hơn. Năm nay, với 19 phiếu đại cử tri, Pennsylvania được đánh giá là bang chiến trường có vai trò quyết định nhất khi kết quả khảo sát tại bang này liên tục đảo chiều. Theo kết quả khảo sát mới nhất, ứng viên Donald Trump đang vươn lên dẫn trước ứng viên Kamala Harris với khoảng cách mong manh là 48,3% và 48%.
Các nhà phân tích cho rằng, sự xuất hiện của các bang chiến trường khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trở nên kịch tính hơn. Song, sức ảnh hưởng quá lớn của các bang này cũng khiến kết quả bầu cử trở nên kém công bằng hơn. Nhiều cử tri tại các bang bình thường cảm thấy tiếng nói của họ không được lắng nghe. Hiện đã có 17 bang và đặc khu Columbia ủng hộ ý tưởng hủy bỏ hệ thống đại cử tri, tức ứng viên nào giành được nhiều phiếu bầu phổ thông nhất trên toàn quốc sẽ chiến thắng.

Minh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *