Trong nỗ lực hỗ trợ nông dân thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) của Philippines hiện đang nghiên cứu, phát triển các giống lúa chịu hạn, ngập úng và tình trạng xâm nhập mặn.
Theo nhóm nghiên cứu tại IRRI, công nghệ mới cho phép phát hiện các gen lúa có đặc điểm mong muốn, sau đó kết hợp chúng lại với nhau để tạo ra giống lúa mới thích ứng với các điều kiện môi trường khác nhau. Cụ thể, giống lúa chịu hạn mang các gen cho phép cây lúa sống thêm vài tuần lễ khi xảy ra hạn hán khắc nghiệt mà vẫn cho năng suất. Trong khi đó, giống lúa chịu lũ có thể tồn tại khi bị ngập nước _ lâu hơn các giống lúa thông thường 2 tuần lễ, còn giống lúa chịu mặn thì phát triển được ở các vùng ven biển.

Philippines phát triển giống lúa chịu hạn, mặn
Anh Alex Abortiz, nông dân ở tỉnh Bulacan, hiện đang trồng thử nghiệm giống lúa chịu hạn do IRRI phát triển.
“Tình hình vẫn ổn dù trời không mưa, giống lúa này chỉ cần một chút hơi ẩm là có thể sống được. Trước đây, đôi lúc chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước, không phải lúc nào cây lúa cũng phát triển tốt.”
Philippines, quốc gia nhập khẩu lúa gạo nhiều thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc), hứng chịu trung bình 20 cơn bão nhiệt đới mỗi năm. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Phillipines, năm 2019, nước này ghi nhận thiệt hại trên hơn 13.600 hecta cây trồng, chủ yếu là cây lúa và cây bắp do hạn hán nghiêm trọng.

Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *