Liên Hiệp Quốc: hơn 3/4 diện tích đất trên trái đất bị khô hạn vĩnh viễn
10/12/2024Ngày 09/12/2024, tại Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống sa mạc hóa (COP16) đang diễn ra ở thủ đô Riyadh của Ả-rập Xê-út, Liên Hiệp Quốc đã công bố báo cáo cho biết hơn 3 phần 4 diện tích đất trên thế giới đã phải chịu tình trạng khô hạn trong hơn 30 năm qua do biến đổi khí hậu.
Theo các nhà khoa học của Liên Hiệp Quốc, tình trạng khô hạn có khả năng sẽ kéo dài và ảnh hưởng đến sự sinh tồn của nhiều loài thực vật và động vật trên Trái đất. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu.
Ông Sergio Vicente-Serrano – Tác giả báo cáo cho biết:
“Tình trạng khô hạn đang gia tăng trên toàn cầu. Hơn 70% bề mặt Trái đất đang bị ảnh hưởng bởi khô hạn. Bên cạnh đó, hơn 3% diện tích đất ẩm trên Trái đất cũng đã chuyển thành đất khô hạn.”
Theo các nhà nghiên cứu, hạn hán có thể kết thúc nhưng khi khí hậu của một khu vực trở nên khô hạn hơn thì khả năng quay lại điều kiện trước đó sẽ không còn. Vì vậy, hơn 3 phần 4 diện tích đất khô hạn trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ khô hạn vĩnh viễn.
Hơn 3/4 diện tích đất trên trái đất bị khô hạn vĩnh viễn
Giờ đây, những vùng đất từng màu mỡ đã bị sa mạc hóa vì nhiệt độ tăng cao do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân chủ yếu do con người gây ra như phá rừng, phát thải lượng khí nhà kính rất lớn từ hoạt động đốt than, sử dụng dầu hoặc khí đốt trong quá trình tạo điện và nhiệt,…
Theo báo cáo, trên thế giới hiện có khoảng 2,2 tỷ người đang phải sống ở những vùng đất khô hạn, thiếu nước trầm trọng. Các nhà khoa học cảnh báo nếu xu hướng nóng lên toàn cầu tiếp tục diễn ra, thì gần 5 tỷ người trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng khô hạn vào cuối thế kỷ này.
Thúy Diễm