Các nhà khoa học ở thành phố Yakutsk, miền Đông Siberia, nước Nga đang tiến hành khám nghiệm xác một con gấu nâu được bảo quản gần như hoàn hảo trong băng vĩnh cửu trong khoảng 3.500 năm qua.
Những người chăn tuần lộc đã tìm thấy xác con gấu nâu cái này vào năm 2020. Lúc đó, xác con vật nhô ra khỏi lớp băng vĩnh cửu trên đảo Bolshoy Lyakhovsky, thuộc quần đảo Tân Siberia cách Matxcơva hơn 4.600 km về phía Đông.
Nhiệt độ cực lạnh đã giúp bảo tồn mô mềm của con gấu trong 3.460 năm qua, cũng như phần còn lại của bữa ăn cuối cùng của nó gồm lông chim và cây cỏ. Con gấu được ước tính cao 1 mét rưỡi và nặng 78 kg, chết khi khoảng 2-3 tuổi do chấn thương cột sống.

Khám nghiệm xác gấu gần 3500 tuổi
Nhóm các nhà khoa học ở Siberia đã cắt lớp da cứng của con gấu, kiểm tra não, các cơ quan nội tạng của con vật và thực hiện một loạt nghiên cứu về tế bào, vi sinh học và di truyền.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ bằng cách nào con gấu này lại xuất hiện trên hòn đảo, nơi hiện bị chia cắt với đất liền bởi một eo biển dài 50 km. Có giả thiết cho rằng nó có thể đã vượt qua băng, bơi qua biển, hoặc hòn đảo có thể từng là một phần của đất liền.

Thanh Trúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *