Chiều Ngày 22/6/2023 giờ Việt Nam, Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới_ đã khai mạc tại thủ đô Paris của nước Pháp. Hội nghị do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, diễn ra trong hai ngày nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương trong cuộc chiến chống nghèo đói và biến đổi khí hậu.
Kênh truyền hình France 24 của Pháp cho biết có khoảng 50 nhà lãnh đạo các quốc gia và tổ chức quốc tế cùng đông đảo đại diện của khu vực tư nhân, doanh nghiệp đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới. Các đại biểu sẽ thảo luận tìm kiếm giải pháp tài chính cho các mục tiêu toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói, hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ thiên nhiên.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, thế giới cần một “cú sốc tài chính” để đối phó với những thách thức này. Theo ông, để thành công trong cuộc chiến chống nghèo đói, biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, cộng đồng quốc tế cần có sự đóng góp của cả các nguồn ngân sách công lẫn lĩnh vực tư nhân.

Khai mạc hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới
“Bất bình đẳng đang gia tăng, biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều nguy cơ hơn và đại dịch càng làm gia tăng các thách thức này. Hệ thống tài chính của chúng ta là thành quả của những gì trong quá khứ, nó từng rất hiệu quả và có ích trong những thập niên trước đây. Nhưng giờ thì hệ thống này không đủ nhanh và không còn phù hợp với các mục tiêu của chúng ta, và cần chúng ta điều chỉnh lại.”
Cũng tại hội nghị, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo cấu trúc tài chính toàn cầu hiện đã lỗi thời và không thể đáp ứng được các yêu cầu của thời đại.
“Cấu trúc tài chính toàn cầu đã lỗi thời, không hiệu quả và không công bằng. Nó không còn có thể đáp ứng được các nhu cầu của thế giới trong thế kỷ 21 nữa.”
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thì kêu gọi Ngân hàng Thế giới bổ sung một số điều khoản, nhằm tạo điều kiện để các nước đi vay có thể ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.
“Các ngân hàng nên đưa ra một số điều khoản bổ sung, liên quan đến khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu_ vào hợp đồng vay vốn với các nước. Mục tiêu là giúp các nước có nguồn tài chính mạnh mẽ hơn trong trường hợp xảy ra các biến cố liên quan đến khí hậu.”
Các chuyên gia bày tỏ kỳ vọng tại hội nghị lần này, các nước sẽ vạch ra lộ trình cụ thể nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần của các nước có thu nhập thấp, đồng thời tài trợ nhiều hơn cho các quỹ chống biến đổi khí hậu.
“Các nước phát triển đã cam kết phân bổ 0,7% tài sản của họ cho các nước đang phát triển. Thế nhưng, số tiền được giải ngân là rất ít. Vào ngày cuối cùng của hội nghị, tôi hy vọng sẽ thấy được một lộ trình rõ ràng để các cam kết sớm được thực hiện.”
Tổ chức nhân đạo quốc tế Oxfam có trụ sở tại Anh ước tính thế giới cần huy động 27.000 tỷ đô-la để “chống đói nghèo, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển” từ nay đến năm 2030.

Dương Tuyển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *