Những ngày qua, thông tin về Greenland thu hút nhiều sự chú ý sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất mua lại vùng lãnh thổ này từ Đan Mạch. Là hòn đảo lớn nhất thế giới, Greenland không chỉ có vị trí chiến lược đặc biệt mà còn sở hữu nguồn tài nguyên khổng lồ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Là lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, Greenland nằm gần lục địa Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, với dân số khoảng 57.000 người.
Greenland có vị trí chiến lược, là cửa ngõ quan trọng dẫn đến Bắc Cực – khu vực ngày càng có ý nghĩa về kinh tế, quân sự đối với các quốc gia lớn khi băng tan dần ở Bắc Băng Dương do khí hậu ấm lên. Tuyến đường biển ngắn nhất từ Mỹ đến châu Âu là tuyến đường đi qua Greenland. Mỹ đang đặt một căn cứ không quân tại Greenland, giúp duy trì sự giám sát liên tục ở khu vực Bắc Đại Tây Dương trước các mối đe dọa tiềm tàng.
Không dừng lại ở giá trị địa chính trị, Greenland còn sở hữu một “kho báu” tài nguyên khổng lồ.
Nhà báo Seth Borenstein – Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết:
“Greenland có gì? Nơi này không có nhiều cư dân và thực vật. Nhưng theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, bên dưới lớp băng ở đây có rất nhiều dầu mỏ và khí đốt, trữ lượng lên tới hàng tỷ thùng dầu và hàng ngàn tỷ mét khối khí thiên nhiên. Và quan trọng hơn nữa là những nguyên tố đất hiếm cần thiết cho sản xuất thiết bị viễn thông, như điện thoại di động. Hiện Mỹ nhập khẩu một lượng lớn đất hiếm từ Trung Quốc.”
Theo các báo cáo khoa học, Greenland sở hữu đến 43/50 loại khoáng sản được Mỹ liệt kê là thiết yếu. Còn theo khảo sát của Ủy ban châu Âu, tại Greenland có 25/34 nguyên liệu thô quan trọng, bao gồm một lượng lớn khoáng sản dùng để sản xuất pin như than chì, lithium, cùng đất hiếm dùng trong sản xuất xe điện, tua-bin quạt gió… Do Trái đất ấm lên, các tảng băng và sông băng rộng lớn của Greenland đang tan chảy ngày càng nhanh, điều này có thể tạo thuận lợi cho hoạt động khai thác khoáng sản.
Cho đến nay, các tài nguyên của Greenland đa phần vẫn “ngủ yên”. Bởi, chính quyền hòn đảo này cấm khai thác dầu mỏ và khí đốt vì lý do môi trường, trong khi việc phát triển ngành khai khoáng vấp phải sự phản đối của người dân bản địa. Vì vậy, nền kinh tế Greenland chủ yếu phụ thuộc vào đánh bắt cá, chiếm 95% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, với những tiềm năng lớn, Greenland đang hướng đến đa dạng hóa nền kinh tế.

Tuấn An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *