Sau đại dịch COVID-19, hoạt động lừa đảo gia tăng ở khu vực Đông Nam Á với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia hoạt động ngày càng tinh vi. Vì nguồn lợi mang lại là rất lớn cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các hình thức tội phạm liên quan đến mua bán người ngày càng phức tạp, vì thế cuộc chiến chống tội phạm mua bán người cũng trở nên gian nan.
– “Xin chào, em nhớ anh.”
– “Cuối cùng thì chúng ta có thể gặp nhau không?”
– “Sẽ sớm thôi anh.”
Gửi những dòng tin nhắn mồi chài nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản _ là những gì mà một cô gái người Philippines đã được thay đổi danh tính thành Susan làm trước đây. Sau khi được người quen hứa hẹn về một công việc tiếp thị lương cao ở nước ngoài, Susan đã trở thành nạn nhân của một đường dây mua bán người sang Myanmar và bị ép làm việc 16 giờ mỗi ngày tại một trung tâm lừa đảo trực tuyến. Susan đóng vai một cô gái trẻ thành đạt sống ở Mỹ hoặc Anh để dụ dỗ những người đàn ông chuyển tiền cho cô với mức tối thiểu mà bọn tội phạm đặt ra cho Susan là 100.000 đô-la Mỹ, tức hơn 2 tỷ rưỡi đồng Việt Nam, mỗi tháng.
“Họ đánh tôi và nói rằng tôi không được về nhà. Họ không quan tâm đến đạo đức con người và chỉ cần tiền mà thôi.”
“Điều đáng buồn nhất là việc những nạn nhân của đường dây mua bán người lại phải trở thành người đi giăng bẫy nhiều nạn nhân khác.”
Tại Philippines, cơ quan chức năng ước tính hiện có khoảng 400 trung tâm lừa đảo trực tuyến. Ủy ban chống tội phạm có tổ chức của Phủ Tổng thống Philippines gần đây đã triệt phá một cơ sở nằm trong khuôn viên của một sòng bạc hoạt động hợp pháp ở thủ đô Manila.

Gian nan cuộc chiến chống nạn mua bán người

“Khi lực lượng chức năng tiến hành cuộc đột kích vào cơ sở này, khoảng 600 đến 700 người đang làm tại đây. Hoạt động phạm pháp diễn ra ở đây là ví dụ điển hình về một tổ hợp lừa đảo tại Philippines, cũng như ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.”
Trong báo cáo hồi tháng 3 năm nay, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết hoạt động mua bán người tạo ra 236 tỷ đô-la hằng năm, tăng 37% so với ước tính hồi năm 2014.
Theo các chuyên gia, giải pháp ngăn chặn vấn nạn này là đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, cải thiện đời sống của người dân, và quan trọng hơn hết là tăng cường nhận thức của mỗi cá nhân để không trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người, và không sa vào con đường phạm tội.

Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *